Từ 10/11/2022: Thêm 3 đối tượng được tăng lương 80%
Trước 25/7/2022, doanh nghiệp tại Hà Nội phải điều chỉnh mức lương tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội Lương cho lao động đã qua đào tạo nghề: Tiếp tục trả cao hơn mức lương tối thiểu ít nhất 7% |
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 19/2022/QĐ-TTg về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024.
Điều 5 Quyết định 19/2022/QĐ-TTg quy định mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bằng 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định, được áp dụng đối với 3 đối tượng sau đây trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
Thứ nhất, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Thứ hai, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân.
Thứ ba, người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tiền lương tăng thêm 0,8 lần quy định trên không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp ưu đãi giáo dục, phụ cấp thu hút ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ.
Tiền lương tăng thêm này cũng không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và được thực hiện cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Quyết định 19/2022/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 10/11 và được áp dụng cho các năm tài chính từ năm 2022 đến hết năm 2024. Riêng việc chi trả tiền lương tăng thêm 0,8 lần thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Quyết định 19/2022/QĐ-TTg.