Trợ cấp thất nghiệp: Người lao động hưởng tối đa không quá 12 tháng
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2024 tính thế nào? |
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương của người lao động, còn mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, những ai được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tham gia bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng, mức hưởng thế nào... là những vấn đề không phải người lao động nào cũng nắm được. Vì vậy, trong các cuộc đối thoại - giao lưu trực tuyến, vấn đề này đã được các chuyên gia pháp lý, bảo hiểm xã hội giải đáp cặn kẽ cho đoàn viên công đoàn, người lao động.
Anh Đặng Đình Trung, Công ty TNHH Kenmec Việt Nam không rõ với những lao động làm việc theo hợp đồng dài hạn, trước khi nghỉ việc phải báo trước bao lâu và làm thế nào để được hưởng trợ cấp thất nghiệp? Chị Trần Thị Nụ, Trường Tiểu học Lý Nam Đế băn khoăn trường hợp người lao động sau khi sinh con, hết thời hạn nghỉ thai sản không tiếp tục làm việc được, xin nghỉ hẳn thì có được hưởng hảo hiểm thất nghiệp không?
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Phạm Diệp) |
Chị Nguyễn Minh Thuý, Công ty Thuỷ lợi sông Nhuệ hỏi nếu người lao động công tác từ năm 1999 đến năm 2023 xin nghỉ không lương và đến nay xin chấm dứt hợp đồng lao động, vậy trợ cấp thất nghiệp tính như thế nào? Chị Đỗ Thị Quý Thu, Công ty RSK Việt Nam hỏi về trợ cấp thất nghiệp cho lao động người nước ngoài...
Giải đáp các thắc mắc cho người lao động, ông Vũ Hồng Ngọc, Phó Viện trưởng, Viện Quản lý và phát triển năng lực tổ chức cho biết, theo quy định của pháp luật, để hưởng trợ cấp thất nghiệp, những lao động làm việc theo hợp đồng dài hạn, trước khi nghỉ việc phải báo trước 45 ngày, với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, phải báo trước 30 ngày.
Theo bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động trong vòng 3 tháng, người lao động phải có trách nhiệm đến Trung tâm dịch vụ việc làm để đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, nếu người lao động không đến coi như không có nhu cầu, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp sẽ được bảo lưu. Đặc biệt cần lưu ý, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy trình thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Về người lao động sau khi sinh con, hết thời hạn nghỉ thai sản không tiếp tục làm việc được mà xin nghỉ hẳn, bà Dương Thị Minh Châu cho biết, với trường hợp này, người lao động vẫn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Nói về chế độ cho lao động là người nước ngoài, bà Châu cho biết, trợ cấp thất nghiệp áp dụng khi người lao động đang ở Việt Nam, không tìm kiếm được việc làm, hàng tháng phải đến Trung tâm dịch vụ việc làm để khai báo. Còn nếu người nước ngoài sau khi nghỉ việc họ về nước ngay thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp...
Theo Luật Việc làm, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng liên tục hoặc không liên tục, được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo...
Phương Thảo