Sẽ quy định cụ thể việc phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với các lực lượng chức năng có liên quan
Luật Cảnh sát cơ động đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai và Bộ Công an - cơ quan chủ trì soạn thảo đang tiếp tục hoàn chỉnh Dự luật để tiếp tục trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Việc xây dựng và ban hành luật về Cảnh sát cơ động nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động của lực lượng này. Hiện, dự thảo Luật không quy định cụ thể phạm vi, không gian hoạt động của Cảnh sát cơ động. Cơ quan soạn thảo lý giải, Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên phạm vi toàn quốc. Cảnh sát cơ động là một lực lượng thuộc Công an nhân dân nên phạm vi, không gian hoạt động của Cảnh sát cơ động được thực hiện theo quy định của Luật Công an nhân dân.
Ảnh minh họa. (ảnh: VGP) |
Để tránh chồng chéo trong thực thi nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động với các lực lượng khác, dự thảo Luật quy định về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động với các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan, trong đó quy định rõ nguyên tắc phối hợp, nội dung phối hợp và cơ chế chỉ huy Cảnh sát cơ động trong phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
Dự thảo Luật quy định Cảnh sát cơ động có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện, trừ công trình quốc phòng, khu quân sự, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng; được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để giải cứu con tin, trấn áp khủng bố.
Theo Cơ quan chủ trì soạn thảo, một trong những nhiệm vụ chính của Cảnh sát cơ động là chống khủng bố, để đáp ứng yêu cầu tác chiến khi có tình huống xảy ra tại các trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân thì Cảnh sát cơ động cần được cung cấp sơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện để xây dựng phương án chống khủng bố.
Đồng thời, được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để thực hiện biện pháp chống khủng bố, giải cứu con tin. Dự thảo Luật cũng thiết kế 1 điều quy định chặt chẽ việc vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân phải tuân thủ theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố và các Điều ước quốc tế có liên quan.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thời gian qua, đặc biệt là trong giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát cơ động nói riêng phải phối hợp với nhiều lực lượng, cơ quan, ban ngành trên cơ sở thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ".
Để phân định rõ phạm vi nhiệm vụ cũng như vai trò của từng cơ quan khi phối hợp với Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ, dự thảo Luật đã quy định cụ thể về nguyên tắc phối hợp phải dựa trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật.
Một nội dung khác được dư luận quan tâm là Dự thảo Luật quy định Cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Về huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, dự thảo Luật quy định Cảnh sát cơ động được quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách khi thực hiện các nhiệm vụ chính và do Cảnh sát cơ động chủ trì.
Cụ thể như: Chống khủng bố, giải cứu con tin, chống biểu tình, bạo loạn, bảo vệ mục tiêu, tuần tra, kiểm soát nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có thể xảy ra...
Theo Phương Thảo/laodongthudo.vn