Quốc hội tranh luận sôi nổi về cấm nồng độ cồn
Nhiều nội dung của Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội 2 phương án Không để cho người lao động phải tự mình đi đòi nợ bảo hiểm xã hội |
Bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông
Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn tỉnh Khánh Hoà) đồng ý với giải trình của Chính phủ với quan điểm cấm nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất các tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Trên thực tế sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn thì có tác dụng tích cực nhất định và thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hạn chế các tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho ràng, trên thực tế quy định này cũng có mặt nào đó chưa phù hợp cả dưới góc độ của văn hóa, tập quán, sinh hoạt của người Việt Nam, cả về góc độ sinh học và cả về góc độ người kiểm soát giao thông, người bị kiểm soát giao thông tranh chấp với nhau có hay không có uống rượu bia trước khi lái xe. Vì vậy đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở phải bảo đảm yêu cầu thực tiễn các căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội |
Đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn tỉnh Vĩnh Long) đề nghị không nên quy định một cách tuyệt đối và cứng nhắc mà nên quy định có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở, khi vượt thì mới bị phạt. Bởi lẽ, nếu một người uống một ly nước nho ngâm với đường nhằm giúp tiêu hóa thức ăn hoặc uống một nắp thuốc thời khí khi đau bụng thì khi đó họ vẫn có nồng độ cồn, trường hợp này khi tham gia giao thông họ vẫn bị xử phạt, nhưng trên thực tế họ không uống rượu, bia.
“Theo tôi, quy định như vậy chưa hợp lý và chưa thuyết phục, sẽ xảy ra nhiều cuộc tranh cãi giữa các bên khi bị thổi nồng độ cồn, thực tế đã có nhiều trường hợp xảy ra”, đại biểu nói.
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum) cho biết qua tiếp xúc cử tri cũng như tiếp xúc với dân cũng rất băn khoăn vấn đề này, kiến nghị đồng ý là phải xử phạt những hành vi uống rượu gây tai nạn nhưng uống rượu thì đến mức nào đó, bởi vì một thực tế cho thấy rượu, bia và nồng độ cồn chỉ có hại khi uống quá, còn nếu chưa quá thì chưa phải là nguy hiểm. “Đề nghị theo hướng có một mức nào đấy, đến mức nào đó thì cấm chứ không phải là không có”, đại biểu nói.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Bế Trung Anh (Đoàn tỉnh Trà Vinh) cho rằng, chúng ta đang muốn kiểm soát năng lực hành vi, rượu chỉ là một tác nhân ảnh hưởng đến năng lực hành vi. Nếu dùng nhiều quá thì không điều khiển được năng lực hành vi, còn nếu dùng ở mức độ gọi là nếm rượu chắc vẫn ổn. Cho nên phải phân biệt giữa hai chuyện là năng lực hành vi với lại câu chuyện dùng rượu hay không dùng rượu. Bởi vì nếu muốn kiểm soát toàn bộ tác nhân để gây ra năng lực hành vi yếu kém thì không phải chỉ có rượu, thậm chí có cả cocaine và có cả những chuyện khác.
Giúp người dân dễ chấp hành
Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình thống nhất theo quy định của dự thảo Luật, cấm người điều khiển phương tiện giao tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc thống nhất với phương án cấm người điều khiển phương tiện giao tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Ảnh: Quốc hội |
Đại biểu phân tích, trong thời gian qua, Bộ Công an đã rất quyết liệt trong chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.
“Điều này đã góp phần rất quan trọng vào việc đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen đã uống rượu, bia thì không lái xe, tạo được niềm tin rất lớn trong cử tri và nhân dân.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông với quyết tâm không có ngoại lệ, dù người vi phạm là ai, kể cả những cán bộ trong ngành, nếu vi phạm đều bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật để làm gương cho nhân dân, tăng thu ngân sách từ việc xử lý vi phạm nồng độ cồn”, đại biểu nói.
Tranh luận sau đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn tỉnh Bắc Giang) nêu rõ, ông ủng hộ quan điểm cấm như trong dự thảo Luật. Vì, tác hại của người tham gia giao thông có nồng độ cồn là rất lớn. Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong số các vụ tai nạn có mức từ nghiêm trọng trở lên thì 50% do người lái xe có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn tỉnh Bắc Giang) tranh luận. Ảnh: Quốc hội |
“Quy định do pháp luật đặt ra. Theo tôi nên tường minh và giúp người dân dễ chấp hành, có thể dễ dàng tự mình đánh giá, kiểm chứng được vi phạm hay không vi phạm. Thế nên giữa lựa chọn có ngưỡng hay cấm uống rượu, phương án cấm sẽ tường minh và giúp công dân dễ chấp hành, tự mình cũng thể đánh giá được mình vi phạm hay không vi phạm. Đây cũng là yêu cầu khi xây dựng bất cứ của một quy định pháp luật nào”, đại biểu phân tích.
Việc cho phép uống rượu dưới một ngưỡng ở một góc độ nào đó sẽ tạo ra không gian thúc đẩy phát sinh hành vi vi phạm. Thứ nhất, về tâm lý hoặc hành vi, nếu đã uống 1 chén rượu thì khả năng uống thêm sẽ cao hơn việc dứt khoát không uống rượu, bia ngay từ đầu.
Thứ hai, vì bản thân người uống không biết đã đến ngưỡng hay chưa, cũng như nồng độ cồn thay đổi theo thời gian tính từ lúc uống rượu bia vào cơ thể. Việc quy định có ngưỡng nồng độ cồn vô hình trung lại thúc đẩy phát sinh hành vi vi phạm của người lái xe.
“Ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật an toàn giao thông nói riêng của xã hội ta hiện còn chưa cao. Việc quy định cấm là phù hợp hơn trong điều kiện ý thức xã hội như vậy. Hơn nữa, quy định trong dự thảo không phải là mới, quy định này đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ở Luật Phòng chống tác hại rượu bia và mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Thực tế quy định mới được triển khai mạnh từ năm 2022 đến nay và đang cho kết quả kiềm chế tai nạn giao thông rất tốt. Việc thay đổi vào thời điểm này theo tôi là không hợp lý. Chúng ta cũng không nên bàn về việc thay đổi quy định này”, đại biểu nêu rõ.
Tranh luận với đại biểu Phạm Văn Thịnh, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn tỉnh Gia Lai) cho rằng ở đây cần thiết nhất để đại biểu Quốc hội và Quốc hội có thể quyết định hay không đó chính là bằng chứng và căn cứ khoa học. “Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời chính thức cho Quốc hội là căn cứ khoa học và bằng chứng khoa học để có điều quy định như thế này”, đại biểu nói.