Nhiều nội dung của Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội 2 phương án
Không để cho người lao động phải tự mình đi đòi nợ bảo hiểm xã hội Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%: Đâu là động lực cho những tháng cuối năm? Quốc hội thông qua Luật Phòng thủ dân sự |
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, các nội dung có 1 phương án gồm: Về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; về điều kiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng liên quan; về các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hàng năm; về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. (Ảnh: QH) |
Báo cáo cũng nêu rõ các nội dung có 2, 3 phương án. Trong đó, về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, dự thảo luật thiết kế 2 phương án.
Phương án 1, chỉnh sửa quy định nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo hướng này, cần rà soát quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, quy trình, thủ tục xác nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài…
Phương án 2, giữ như quy định của pháp luật hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có các quyền sử dụng đất như người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này. Do Nghị quyết số 18-NQ/TW không đề cập nội dung về quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển quyền sử dụng đất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về nội dung này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: QH) |
Về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, dự thảo luật thiết kế 3 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.
Phương án 1, phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp. Phương án 2, không giới hạn về điều kiện, Chính phủ đề xuất theo hướng này tại báo cáo số 589/BC-CP. Phương án 3, phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.
Liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng có nhiều phương án. Về thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, dự thảo luật thiết kế 2 phương án.
Phương án 1, dự thảo luật đã chỉnh sửa, theo đó, dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất. Tuy nhiên, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất chỉ là hình thức Nhà nước giao đất, cho thuê đất, không phải tiêu chí, điều kiện để thu hồi đất, chưa phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Phương án 2, theo hướng quy định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ gắn với tiêu chí, điều kiện cụ thể thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. UBTVQH xin ý kiến Quốc hội về nội dung này, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động để tiếp thu, thiết kế phương án phù hợp tại Luật hoặc giải trình thuyết phục nếu không thể tiếp thu.
Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. (Ảnh: QH) |
Về quy định giao Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh quyết định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, đây là nội dung mới đối với HĐND cấp tỉnh, có thể có độ trễ trong việc triển khai thực hiện trên thực tế trong thời kỳ đầu thực hiện quy định khi HĐND cấp tỉnh chưa kịp ban hành tiêu chí, điều kiện để có cơ sở xem xét, quyết định trong từng trường hợp cụ thể.
Vì vậy, đề nghị nghiên cứu có tiêu chí cụ thể tại luật để làm cơ sở giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định. Chính phủ thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật để có cách hiểu thống nhất, tránh rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện và có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của quy định này, tránh vướng mắc khi triển khai trên thực tế.
Về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền, dự thảo luật thiết kế 2 phương án.
Phương án 1, đề nghị quy định thời điểm công nhận quyền sử dụng đất đến trước ngày 1/7/2014. Phương án 2, đề nghị chỉnh sửa thời điểm công nhận quyền sử dụng đất đến thời điểm nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận. Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. (Ảnh: QH) |
Về phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng, dự thảo nêu phương án 1, quy định tại luật về nội dung phương pháp định giá đất nhưng giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Chính phủ đề xuất theo hướng này. Phương án 2, quy định tại luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 2 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.
Trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về phương án xem xét, thông qua dự án luật này trên tinh thần bảo đảm chất lượng dự án luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi.