Những điểm nghẽn trong Nghị định quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế
Nghị định 35 là chính sách quan trọng trong việc định hướng phát triển hạ tầng khu công nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Đặc biệt là các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ phát triển các mô hình khu công nghiệp chuyên dụng như khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao.
Tại Diễn đàn “Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, phó giáo sư, tiến sĩ Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng cho rằng Nghị định 35 có thể coi là Nghị định điều chỉnh lần thứ tư về vấn đề nhà ở công nhân trong khu công nghiệp.
Việc điều chỉnh Nghị định qua các thời kỳ cho thấy mỗi lần chỉnh sửa là một lần tiến bộ, có nhiều cơ chế chính sách thuận lợi hơn cho quá trình công nghiệp hoá. Có nhiều đổi mới hơn trong Nghị định 35, trong đó có nhiều điểm mới quan trọng nói về nút thắt nhà ở công nhân.
Cụ thể, theo ông Lưu Đức Hải, tại khoản 4 mục D của Nghị định 35: “Có quỹ đất tối thiểu bằng 2% tổng diện tích khu công nghiệp để quy hoạch xây dựng nhà ở công trình dịch vụ tiện ích cho người lao động làm việc tại các khu công nghiệp”.
Như vậy, Chính phủ đã chú ý tới việc một địa phương khi quy hoạch khu công nghiệp cần quy hoạch 2% để xây dựng nhà ở cho người lao động. Đây là điểm gỡ nút thắt đầu tiên, tạo tiền đề cho các địa phương, chính quyền 63 tỉnh, thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp tạo quỹ đất cho người công nhân có nhà ở.
Nghị định 35 chưa giải quyết được các vấn đề về nhà ở cho người lao động tại khu công nghiệp (Ảnh minh họa: K.T) |
Tại mục 7 điều 9 về điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp quy định: “Có quy hoạch khu nhà ở và các công trình dịch vụ tiện ích công cộng cho người lao động hoặc các khu công nghiệp được cơ quan nhà nước quy định về nhà ở”.
Ở mục 2 và 3 điều 33 đã quy định: “Phát triển khu công nghiệp đô thị dịch vụ được đầu tư đồng bộ bao gồm nhà ở, công trình giáo dục đào tạo, công trình nghiên cứu, y tế, thể thao, văn hoá…”. Ngoài ra, tại điều 56 nghị định này cũng quy định cụ thể quyền hạn trách nhiệm của quản lý nhà nước thuộc về Bộ xây dựng.
So sánh với thời kỳ trước, ông Lưu Đức Hải cho rằng, cách đây 30 năm, trong khu công nghiệp không quy định phải có nhà ở, cũng không có văn bản nào quy định khu công nghiệp không có nhà ở thì ai lo nhà ở cho người lao động. Việc giải quyết nhà ở khi đó chỉ phục vụ theo nhu cầu lao động mà không có quy hoạch lâu dài cho vấn đề nhà ở.
"Đại dịch Covid-19 chúng ta đã chứng kiến cảnh đoàn người lao động từ Nam trở về Bắc. Như vậy họ đã không coi nơi họ làm việc là quê hương thứ 2. Vì sao có câu chuyện này? Vì chúng ta chưa làm tốt câu chuyện dịch cư. Không chỉ lo nhà ở cho người công nhân mà phải nghĩ tới nhà ở cho người nhà của công nhân, để câu chuyện dịch cư tạm thời thành dịch cư cố định”, ông Lưu Đức Hải nhấn mạnh.
Nghị định 35 được ban hành đã khẳng định vấn đề hạ tầng xã hội của người lao động trong khu công nghiệp đã được quan tâm hơn rất nhiều. Đây là tiến bộ quan trọng nhấn mạnh câu chuyện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, ông Lưu Đức Hải cũng rằng: “Nghị định 35 chưa giải quyết được các vấn đề về nhà ở cho người lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế. Do đó, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần tiếp tục nhiều vấn đề”.
Còn theo ông Trần Anh Vương - Tổng Giám đốc Western Pacific, mặc dù Nghị định 35 đã đưa ra được rất nhiều tín hiệu tích cực trong công tác đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, nhưng khi ban hành vẫn còn rất nhiều tồn tại.
Trước hết, Nghị định 35 có quy định về vấn đề phân kỳ đầu tư, đây là một trong những vấn đề vướng mắc cho các nhà đầu tư. Khoản 4 Điều 8 Nghị định 35 quy định rõ, không chỉ chủ đầu tư phân kỳ trong dự án của mình, mà phân kỳ đầu tư phải phân kỳ cả quá trình từ chủ trương đầu tư cho đến chấp thuận đầu tư, đến phân kỳ đầu tư thật trên thực địa. Nếu phân kỳ như vậy, tính khớp nối sẽ rất khó với ngay cả một chủ đầu tư. Nghị định còn quy định rõ, nếu phân kỳ lần 1, tỷ lệ lấp đầy chưa đạt 60% thì phân kỳ lần 2 sẽ là chủ đầu tư khác.
Các chuyên gia cho rằng, dù được đánh giá là mang tính đột phá, thiết thực, lược bỏ tương đối các thủ tục hành chính rườm rà, tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện, triển khai Nghị định số 35/2022 vẫn có những điểm nghẽn cần được tháo gỡ.
Bảo Thoa