Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt
Chính phủ đề xuất dành 12.500 tỉ đồng tăng lương cơ sở từ giữa năm 2023 Tăng lương cơ sở, lương cán bộ công chức sẽ thay đổi ra sao vào năm tới? |
Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Đoàn Yên Bái) cho biết theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương, từ năm 2021 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét rất kỹ lưỡng, thận trọng và quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương trong thời hạn nhất định.
3 năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên chúng ta chưa điều chỉnh được mức lương cơ sở và chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, thời điểm này quyết định điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng là rất hợp lý.
Mức điều chỉnh này tăng khoảng 20,8% cũng là đang tiệm cận dần với cải cách chính sách tiền lương. Đây cũng chính là một chính sách đặc biệt trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, là nguồn lực và cũng là động lực để chúng ta thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: Quốc hội) |
“Nếu điều kiện đất nước năm 2023 tiếp tục có những điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tốt; năm 2024, kinh tế vĩ mô của chúng ta ổn định, tăng trưởng kinh tế bền vững và không có những yếu tố tác động mang tính khách quan như năm 2020, 2021 cũng như trong bối cảnh của năm 2022 này, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương”, Bộ trưởng nói.
Cùng quan tâm đến đề xuất tăng lương, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đồng tình với việc tăng lương cơ bản sớm, đại biểu cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức có mức lương chính thức không đủ sống thì phải được ưu tiên tăng sớm. Đại biểu cũng đề nghị xác định mức sống tối thiểu, cơ bản để có cách nhìn nhận hợp lý về lương cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn Bạc Liêu) bày tỏ đồng tình với việc Quốc hội sẽ bàn và quyết định tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng từ 1/7/2023. Đại biểu cho hay, cử tri kiến nghị tăng lương cơ sở là rất quý nhưng làm sao để bình ổn giá cũng quan trọng. “Nếu như giá cả ổn định thì vấn đề tăng lương cơ sở mới có giá trị”, đại biểu Nguyễn Huy Thái nhấn mạnh.
Các đại biểu Quốc hội tổ 1 thảo luận tại tổ. (Ảnh HL) |
Chính phủ cần đề xuất sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt, có thể áp dụng ngay từ 1/1/2023, là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) - nhằm kịp thời hỗ trợ giảm khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bối cảnh giá cả các mặt hàng tăng.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An) lại đề cập đến chế độ phụ cấp cho cán bộ cơ sở. Theo đại biểu, hiện tại, một trong những vấn đề kinh tế - xã hội được dư luận quan tâm nhiều nhất là về vấn đề lương và công chức, việc chức nghỉ việc. Vấn đề này đã được đưa vào báo cáo của Chính phủ và cũng đã được nêu trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
“Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhận thấy còn có một đối tượng có liên quan nữa nhưng chưa được đề cập đúng mức, đó là vấn đề nghỉ việc của cán bộ của thôn, bản, khối phố, nhất là sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập các thôn, bản, tổ dân phố trong thời gian vừa qua”, đại biểu nói.
Dẫn các quy định liên quan, đại biểu cho biết, mức phụ cấp cho cán bộ thôn, khu phố là khoảng 1,56 triệu đồng/người/tháng, những người kiêm hai chức danh thì được hỗ trợ 2 đến 3 triệu đồng/tháng. Mức phụ cấp này được đánh giá là không tương xứng với công việc mà các cán bộ thôn, tổ dân phố đang đảm nhiệm.
“Họ phải làm rất nhiều việc, từ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến người dân đến trực tiếp đi thu các khoản nghĩa vụ của người dân, rà soát, bình xét hộ nghèo, hòa giải cơ sở hay vận động nhân dân tham gia xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh...”, đại biểu cho biết.
Từ các yếu tố đó, trong thời gian vừa qua đã có rất nhiều cán bộ thôn, bản, tổ dân phố đã xin nghỉ việc. Đại biểu cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, cần được ưu tiên giải quyết một cách căn cơ, lâu dài. Cụ thể như quan tâm, nghiên cứu về chế độ, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố như đã thực hiện đối với công chức, viên chức...