Ngăn chặn tham nhũng đất đai
Thu hồi sổ hộ khẩu, người dân sử dụng thông tin công dân thực hiện giao dịch dân sự, đất đai Đẩy mạnh thanh tra, xử lý tình trạng lãng phí đất đai |
Xử lý nghiêm minh
Đất đai là nguồn tài nguyên, tài sản quan trọng của quốc gia; là một trong những nguồn lực chính để phát triển đất nước. Do vậy, tất cả vụ việc gây thất thoát tài sản công sẽ xử lý rất nghiêm minh. Có như vậy, mới ngăn chặn tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực này. Bởi những năm qua, đất đai đã trở thành nguồn tài nguyên béo bở mà những đối tượng tha hóa ăn chặn.
Cơ quan chức năng đã phát hiện và đưa ra xử lý hàng loạt vụ việc nổi cộm, từ vụ Vũ "nhôm", Út "trọc", vụ Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh), vụ truy tố xét xử 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vụ cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, loạt sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án Phước Kiển, dự án Khu dân cư Ven Sông tại TP Hồ Chí Minh…, đều liên quan đến bán đất công gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Dự án Khu dân cư Ven Sông, phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh. |
Ví như vụ chuyển nhượng dự án Phước Kiển, dự án Khu dân cư Ven Sông gây thất thoát của Nhà nước hơn 730 tỷ đồng đang được cơ quan chức năng xử lý; dư luận cũng đặc biệt quan tâm bởi có liên quan đến các doanh nghiệp. Liên quan đến một loạt các sai phạm trong vụ án này, VKSND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Cáo trạng số 382/CT-VKS-P3 ngày 28/7/2022 để đề nghị truy tố các bị can theo quy định pháp luật.
Điều đáng nói, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai là bên tham gia góp vốn hợp tác, nhận chuyển nhượng dự án Phước Kiển, dự án Khu dân cư Ven Sông, liên quan trực tiếp tới vụ án lại được tách ra để tiến hành điều tra, làm rõ trách nhiệm ở một vụ án khác mà không được xem xét trong vụ án này. Trong vụ án này, các đối tượng móc nối với nhau giao đất của Nhà nước cho tư nhân mà không qua đấu thầu, đấu giá.
Liên quan đến các hành vi về tham nhũng, cũng như các chế tài xử lý hiện hành, TS, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhìn nhận, những hành vi về tham nhũng trong thời gian qua và qua những vụ án mà các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án đã tiến hành giải quyết thì thấy rằng, tham nhũng lớn nhất là trong lĩnh vực xây dựng, trong đó lĩnh vực đất đai là có những hành vi vi phạm rất nghiêm trọng và gây ra những thiệt hại rất lớn cho xã hội.
Đối với các tội danh về tham nhũng theo quy định của Bộ Luật hình sự hiện nay, với 7 tội danh thì có đến 4 tội có hình phạt cao nhất là tù trung thân, tử hình. Như vậy, thiết kế về chế tài ở trong luật hình sự với nhóm tội tham nhũng và rất nhiều tội danh như tham ô nhận hối lộ có hình phạt cao nhất là tử hình. Các hành vi lợi dụng chức vụ lạm quyền hình phạt cao nhất là 20 năm đến trung thân. Đó là những hình phạt rất nghiêm khắc.
Hoàn thiện thể chế, đồng bộ nhiều giải pháp
Để ngăn chặn tham nhũng đất đai, rất nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường kiểm soát quyền lực gắn với xử lý nghiêm minh những vi phạm liên quan đến đất đai, góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ, cần phải tách ra hai hệ thống, hệ thống quyết định về đất đai do địa phương nắm; còn hệ thống quản lý đất đai phải do Trung ương tập trung nắm. Tài chính đất đai do Bộ Tài chính nắm; quy hoạch sử dụng đất do Bộ KH&ĐT nắm; còn Bộ TN&MT chỉ nắm về hành chính đất đai. Tức là, hệ thống đăng ký phải do các đơn vị của T.Ư quản; còn quyết định về đất đai, giao cho ai làm gì là quyền của địa phương, đại diện cho sở hữu toàn dân.
Quan điểm của Nhà nước về việc điều tra, xử lý các vụ việc gây thất thoát tài sản công là rất nghiêm minh, làm đến tận gốc rễ vấn đề. Bất cứ ai liên quan đến vụ việc, dù ở vai trò nào, hành vi ra sao đều được xử nghiêm minh trước pháp luật. |
Đáng chú ý, Nghị quyết số 18/NQ-TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII, về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, đã đặt ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát của Nhà nước trong việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về đất đai; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý và sử dụng đất. Tăng cường kiểm soát quyền lực, thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai…
Mới đây, ngày 5/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai.
Điều đó cho thấy, thể chế, chính sách pháp luật về đất đai đang dần được hoàn thiện, ngày càng thắt chặt. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, những hành lang pháp lý mới sẽ ngăn chặn kịp thời hành vi tham nhũng đất đai, góp phần xây dựng sự tăng trưởng bền vững của đất nước.
Theo Dương Hải/kinhtedothi.vn