Nếu thực hiện tốt công khai, dân chủ sẽ tránh được nhiều sai phạm
Đại biểu Quốc hội kiến nghị ưu tiên giảm thuế đối với xăng, dầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội |
Ngày 14/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Vi phạm do “không được minh bạch, không được công khai”
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) dẫn ví dụ vụ kit test của Việt Á và cho rằng: Nếu thực hiện dân chủ ở cơ sở, công khai thông tin là Nhà nước phải mua của Việt Á một kit test với giá như thế và hải quan cũng công khai thông tin là hàng tháng Việt Á đã nhập kit test từ Trung Quốc về bao nhiêu, với giá là 0,955 USD/kit test thì chắc chắn chúng ta sẽ không để cho các địa phương, các CDC các tỉnh phải mua với giá như giá của Việt Á bán và sẽ không xảy ra tình trạng hàng loạt vi phạm như thời gian vừa qua.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội). |
Theo đại biểu, nếu nhìn lại tất cả những vụ án tham nhũng, từ việc đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán đấu thầu thiết bị y tế, việc mua bán tài sản công hoặc kể cả mua bán vụ Mobifone thì giống nhau một điều là tất cả những vụ này đều thực hiện rất đúng các quy trình, có đầy đủ các cơ quan có chức năng như là định giá tham gia, nhiều người tham gia.
Nhưng, có một điều cũng giống nhau nữa là không được minh bạch, không được công khai, không được thông tin để cho người dân biết.
Chính vì vậy, khi sai lầm thì người dân chỉ nghe thấy thông tin mang tính chất như đồn thổi với nhau, không chính thống và đến lúc sự việc xảy ra thì đồn thổi đấy lại trở thành sự thật. “Điều đó chứng tỏ nếu chúng ta công khai dân chủ để mọi người được biết thì tôi nghĩ tất cả những vụ này đều được ngăn chặn trước”, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, như vậy, nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai minh bạch để người dân biết được thông tin, nắm được mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực công trong các quyết định có liên quan đến người dân, đến cộng đồng thì chắc chắn sẽ nhận được rất nhiều các ý kiến tham gia đóng góp của người dân để mang lại kết quả, quyết định đó tốt hơn và đồng thời sẽ tránh được các sai phạm, không để nhúng sâu vào như thời gian vừa qua.
Đại biểu đề xuất bất kể vấn đề gì liên quan đến quản lý các nguồn lực công, liên quan đến người dân thì cần phải công khai, trừ những vấn đề thuộc về bí mật nhà nước. Đồng thời, về phương thức công khai, không nên quy định cụ thể phương án nào mà chỉ quy định mục tiêu là buộc những người quản lý có trách nhiệm phải lựa chọn được một phương thức thông tin để đảm bảo rằng tối thiểu có một tỷ lệ bao nhiêu phần trăm người dân biết được thông tin này, ví dụ như 50% người dân biết được thông tin.
Bảo đảm tính khả thi của dự án luật
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) nhìn nhận, đây là một dự án luật phải nói là đặc biệt quan trọng và rất có ý nghĩa nhưng cũng là một dự án luật thật sự khó. Vì vậy, ông đề nghị phải đánh giá, rà soát thật kỹ để bảo đảm tính khả thi của dự án luật này, tránh hình thức.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) |
Đề cập đến phạm vi điều chỉnh theo tiếp thu, giải trình dự kiến của Ban soạn thảo thì sẽ không áp dụng đối với các doanh nghiệp khối FDI, với hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân mà chỉ doanh nghiệp nhà nước.
Đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng, phải rất cân nhắc vấn đề này. “Doanh nghiệp nhà nước bây giờ có doanh nghiệp 100% nhà nước, có doanh nghiệp 50% và thực hiện theo cơ chế cổ phần. Vậy nếu chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước thì tại sao người lao động trong doanh nghiệp nhà nước lại khác với người lao động của khối tư nhân, khối FDI, mà chúng ta đều thực hiện những nội dung liên quan đến quyền của người lao động”, đại biểu nói.
Theo đại biểu, trong khối doanh nghiệp có 3 vấn đề quan tâm: Một là vai trò của Công đoàn, hai là vấn đề đối thoại, ba là thỏa ước lao động tập thể.
“Nếu chúng ta phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước thì vô hình trung chúng ta đã tách dân chủ giữa hai khối lao động ra, tại sao chúng ta lại có sự phân biệt như vậy? Tôi đề nghị phải hết sức cân nhắc vấn đề này”, đại biểu đề nghị.
Đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn Vĩnh Phúc). |
Bổ sung quy định về địa vị pháp lý và trách nhiệm của Ban Chấp hành Công đoàn
Đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn Vĩnh Phúc) đề cập đến quy định về tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Theo dự thảo Luật, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp với Công đoàn cơ quan, đơn vị, tổ chức định kỳ mỗi năm một lần hoặc bất thường do Ban Chấp hành Công đoàn yêu cầu hay người đứng đầu thấy cần thiết.
Từ thực tiễn, để tránh việc người đứng đầu tổ chức hội nghị một cách hình thức, không thực chất, đại biểu Lê Tất Hiếu đề nghị bổ sung quy định về địa vị pháp lý và trách nhiệm của Ban Chấp hành Công đoàn trong Hội nghị công chức, viên chức, người lao động với tư cách là người cùng người đứng đầu cơ quan đồng chủ trì.
Qua đó, nhằm đảm bảo thực chất vai trò vị trí, chức năng của Công đoàn trong phát huy và thực hiện quyền dân chủ của công chức, viên chức, người lao động chứ không chỉ phối hợp như dự thảo Luật.
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật cũng như các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các nhóm chủ thể tác động để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật thực hiện dân chủ đạt chất lượng cao.
Bộ trưởng khẳng định, dân chủ thì phải gắn với sinh kế, dân trí, dân sinh để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, đồng thời gắn với việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh và đảm bảo được sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.