Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp: Tăng cường lưới an sinh xã hội
Trong dự thảo hồ sơ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐTBXH đề xuất bổ sung tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên đều tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Đánh giá tác động của chính sách, Bộ LĐTBXH cho rằng, việc mở rộng đối tượng sẽ góp phần giảm chi phí chi chế độ trợ cấp thất nghiệp, do tăng cường thực hiện chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm nên người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, hạn chế nhận trợ cấp thất nghiệp.
Thống kê trong giai đoạn 2015-2021, bình quân mỗi năm có 750 nghìn người nhận trợ cấp thất nghiệp (chiếm khoảng 6,1% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp), bình quân mỗi năm chi trợ cấp thất nghiệp khoảng 9.600 tỷ đồng.
Khi sửa đổi Luật Việc làm, dự kiến số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp giảm còn khoảng 5% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm (tương ứng mỗi năm giảm khoảng 150 nghìn người nhận trợ cấp thất nghiệp), nếu mức hưởng bình quân là 3,2 triệu đồng/người/tháng, số tháng hưởng bình quân khoảng 4 tháng, dự kiến giảm chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 1.920 tỷ đồng (tương ứng khoảng 10-11% tổng thu bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm).
Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. |
Tuy nhiên, chính sách có thể làm phát sinh tăng chi phí cho cả doanh nghiệp và người lao động thông qua chi cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Hiện nay chưa có giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, theo dự kiến, với đơn giá khoảng 70 nghìn đồng/người, nếu hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 2 triệu người/năm, chi phí phát sinh khoảng 140 tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài ra, có thể phát sinh tăng chi phí cho hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Giả định mức hỗ trợ học phí là 1,5 triệu đồng/người/tháng, tối đa 6 tháng, mức hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí 1 triệu đồng/người/tháng, tiền ở 500 nghìn đồng/người/tháng, tiền đi lại 300 nghìn đồng/người/khóa học. Nếu hỗ trợ 100 nghìn lao động/năm (gấp 3,3 lần bình quân giai đoạn 2015-2021), chi phí phát sinh mỗi năm là 1.830 tỷ đồng…
Mặc dù vậy, xét đến tác động về mặt xã hội, Bộ LĐTBXH đánh giá, việc mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là cần thiết, vì sẽ tăng cường lưới an sinh xã hội.
Người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng thường là đối tượng có nguy cơ thất nghiệp cao. Vì thế, khi họ tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp nếu mất việc; tăng cơ hội chuyển đổi việc làm; nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tạo cơ hội tìm kiếm việc làm mới phù hợp.