Lựa chọn, bố trí đúng người có đức, có tài, trách nhiệm với sự phát triển của Thủ đô
Hà Nội: Hạn chế mức thấp nhất vụ việc phát sinh từ cơ sở Hà Nội rà soát nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước |
Với tinh thần trách nhiệm cao, sau 1 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đã đề ra. Phát biểu kết luận Hội nghị, chiều 11/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, năm 2023 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2020 - 2025 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đây là năm đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Thành) |
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các đồng chí Thành ủy viên, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2023 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ Thành phố, 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa 17 và các nhiệm vụ, chương trình công tác năm 2023 của Thành ủy đã đề ra.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Tập trung hoàn thiện thủ tục và triển khai thực hiện đầu tư dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, trách nhiệm với công việc và sự phát triển của Thủ đô; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền. Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; kịp thời động viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm với công việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn dịp trước, trong và sau Tết Dương lịch 2023, Tết Nguyên đán Quý Mão, để nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 thực sự vui tươi, lành mạnh, nghĩa tình, kỷ cương; tập trung thực chăm lo thật tốt đời sống nhân dân.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Thành) |
Đáng chú ý, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đề cập đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố là nội dung dự kiến trong hội nghị giao ban quý 4/2022 của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và sở, ban, ngành Thành phố sắp tới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, trong thời gian qua, mặc dù, có thời điểm công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn Thành phố còn gặp những khó khăn, vướng mắc liên quan đến khả năng lưu chứa rác của Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn; song với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền từ Thành phố tới cơ sở, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố đã đạt được những kết quả nhất định.
Cụ thể, công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố ngày được cải thiện. Tỷ lệ được thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%, khu vực nông thôn đạt 90% (đạt và vượt mục tiêu theo quy hoạch đến năm 2030: Tỷ lệ thu gom khu vực đô thị khoảng 90% - 100%, nông thôn khoảng 80% - 95%). Các cấp chính quyền đã sát sao hơn trong việc quản lý, giám sát trên địa bàn, đã hạn chế và bước đầu xử lý vi phạm đối với hành vi đổ rác không đúng nơi quy định.
Dù vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Để khắc phục và nâng cao năng lực quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố đã quyết định, từ 1/1/2023 công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện; UBND cấp uyện (quận, huyện, thị xã) chịu trách nhiệm thực hiện quản lý công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Thành ủy đề nghị Ban cán sự đảng UBND Thành phố, các cấp, các ngành của Thành phố tiếp tục tăng cường hơn nữa trách nhiệm; tập trung thực hiện triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách và lâu dài để đưa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu theo Luật Bảo vệ môi trường mới, phục vụ tốt nhất đời sống, sinh hoạt của Nhân dân Thủ đô và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong thời gian tới.
Hoàng Phúc