Hà Nội: Hạn chế mức thấp nhất vụ việc phát sinh từ cơ sở
Hà Nội rà soát nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước Nhiều chính sách mới về cư trú, bảo hiểm y tế có lợi cho người dân Tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong trường học |
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 934-TB/TU Kết luận của đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ và 6 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và 6 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU của Thành ủy Hà Nội. (Ảnh: NC) |
Theo đó, ngày 11/10, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 của Thành ủy chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, ngày 4/7/2017, Ban Thường vụ Thành ủy về “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc Thành phố” và 6 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU, ngày 26/12/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện những kết quả đạt được và dự báo những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, Thành ủy Hà Nội xác định việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, nhưng cần thường xuyên cập nhật, bổ sung những quan điểm chỉ đạo, những quy định mới của Trung ương và Thành phố đối với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện để toàn diện, phù hợp với thực tiễn và tình hình mới.
Trên cơ sở đó, Thành ủy yêu cầu các cấp ủy phải bám sát tình hình thực tiễn, sâu sát thực tế cơ sở, các giải pháp đưa ra để thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU phải đồng bộ, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quan tâm nâng cao đời sống, ý thức thực thi pháp luật của người dân, đầu tư cơ sở hạ tầng, hạn chế mức thấp nhất vụ việc phát sinh từ cơ sở.
Bên cạnh đó, cần tăng cường nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội và công tác truyền thông, chủ động trong việc cung cấp thông tin, công khai, minh bạch, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo các cấp, có phân công, phân nhiệm rõ ràng, qua đó, tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đúng bản chất các sự việc về các vấn đề nóng, phức tạp xảy ra trên địa bàn, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Đặc biệt phải đẩy mạnh công tác dự báo tình hình, nhất là những nơi triển khai thực hiện các dự án như Đường vành đai 4, triển khai quy hoạch sông Hồng, các dự án liên quan đến môi trường, rác thải, nghĩa trang... sẽ diễn biến phức tạp; nhận diện sớm các biểu hiện yếu kém, những vấn đề cần quan tâm củng cố ở từng tổ chức cơ sở đảng; coi trọng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; chỉ đạo việc đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cuối năm một cách thực chất; nâng cao trách nhiệm toàn diện của cấp ủy viên, Ban Thường vụ cấp ủy phụ trách địa bàn.
Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; khẩn trương hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu về tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ thành phố đến cấp quận, huyện để tăng cường hiệu quả công tác tiếp công dân, hỗ trợ công tác xử lý đơn, thư và chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo được đồng bộ, kịp thời.