Khơi dậy nội lực, kiến tạo tương lai
Tự hào 93 năm Công đoàn Việt Nam Điều lệ Công đoàn Việt Nam là kim chỉ nam, định hướng các hoạt động của tổ chức Công đoàn Thủ đô |
Làm tốt sứ mệnh “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện…”
Năm 2022 được xác định là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Trong bối cảnh năm 2022, cả nước vừa bước qua đại dịch Covid-19, tổ chức Công đoàn xác định tập trung thực hiện tốt chủ đề công tác năm “Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam”…
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải (thứ hai từ phải qua) thăm hỏi, động viên công nhân Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (tỉnh Thanh Hóa) tích cực phát huy sáng kiến, sáng tạo. |
Trước những ý nghĩa quan trọng đó, công tác tuyên truyền, vận động của tổ chức Công đoàn được xác định là “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”. Tập trung thực hiện những khâu quan trọng để đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp tăng cường nắm bắt tình hình lao động việc làm, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng hành trong thực hiện các biện pháp vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình lao động, việc làm, thu nhập của người lao động. Bên cạnh đó, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người lao động các thủ tục thụ hưởng chính sách của Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà. Kết quả, đã có hơn 4,6 triệu người lao động được hỗ trợ với tổng số tiền là hơn 3,1 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình truyền hình giải trí dành cho công nhân “Giờ thứ 9 +”, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động; qua đó tuyên truyền, giáo dục nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, yêu lao động của công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững nền kinh tế đất nước.
“Đánh thức” tiềm lực, tinh thần cống hiến
Điểm nhấn nổi bật trong năm 2022 đó là các cấp Công đoàn đã tổ chức hiệu quả Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” - thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống Công đoàn, của công nhân, viên chức, lao động cả nước trong việc thực hiện chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Điều đó được minh chứng ở kết quả thực hiện Chương trình “1 triệu sáng kiến”. Tính đến thời điểm cuối tháng 12/2022, giá trị làm lợi về kinh tế của các sáng kiến tham gia Chương trình ước tính khoảng trên 16.000 tỷ đồng.
Phát biểu với công nhân tại cuộc gặp gỡ, đối thoại năm 2022 với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Với tinh thần đoàn kết và truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân, các anh chị em công nhân lao động đã đồng hành, sát cánh cùng Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất bởi đại dịch Covid-19 gây ra. |
Cạnh đó, các hoạt động “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Mái ấm Công đoàn”… được triển khai sâu rộng hằng năm, đã trở thành chương trình, hoạt động trọng tâm mang thương hiệu tổ chức Công đoàn, qua đó tạo thành cao trào chăm lo đời sống đoàn viên, công nhân lao động, được Đảng, Nhà nước và xã hội đánh giá cao.
Trong đó, Tháng Công nhân 2022 với chủ đề “Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động đã được 50.320 Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp hưởng ứng, trực tiếp tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, đối thoại, “Cảm ơn người lao động”; kết nối, giới thiệu việc làm; đề xuất với chính quyền, chuyên môn, người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà trên 846 nghìn suất quà trao tới đoàn viên, người lao động khó khăn; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 5 nghìn “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, góp phần tạo thêm niềm tin, sự gắn bó của đội ngũ đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn…
Công nhân Thủ đô quyết tâm thi đua từ những ngày đầu Xuân mới, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: B.D. |
Đặc biệt, chương trình đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và 4.500 công nhân lao động được tổ chức tại tỉnh Bắc Giang và trực tuyến tại 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố với chủ đề: “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước” đã “truyền lửa”, khơi dậy tinh thần dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, mong muốn được đóng góp, cống hiến trong công nhân lao động, thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quan tâm của Nhà nước qua những quyết sách kịp thời. Tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành đã lắng nghe và giải đáp các kiến nghị thuộc 10 nhóm vấn đề liên quan đến việc làm, thu nhập, các vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân lao động.
Có thể khẳng định, bằng những quyết sách, chương trình cụ thể, tổ chức Công đoàn đã khơi gợi, phát huy được sức mạnh đoàn kết, nỗ lực, chung sức vượt khó của công nhân, viên chức, lao động cả nước, mạnh dạn vươn lên đón đầu xu thế, đặc biệt là những thử thách của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần vào sự phát triển hùng cường của đất nước.
Bảo Duy