Kết quả nổi bật của ngành Giáo dục trong năm học 2022 - 2023
Hà Nội: Giao 3.119 chỉ tiêu lao động hợp đồng lĩnh vực giáo dục và y tế Xây dựng hệ thống giáo dục Thủ đô là hệ thống giáo dục mở Ban hành quy định về công tác kiểm tra của Bộ GD&ĐT |
Năm học 2022 - 2023 là một năm học nhiều khó khăn, thách thức với ngành Giáo dục khi vừa phải tiếp tục khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Đây là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3 và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp trung học phổ thông.
Năm học 2022 - 2023 cũng là thời điểm toàn ngành triển khai tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; đồng thời thực hiện đánh giá việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phục vụ công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực, cố gắng để hoàn thành kế hoạch năm học 2022 - 2023. |
Báo cáo tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2023 vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Trần Quang Nam đã đề cập tới 10 kết quả nổi bật của ngành trong năm học.
Cụ thể, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Trên cơ sở đó, các Sở GD&ĐT đã tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành các chính sách phát triển GD&ĐT tại địa phương; kịp thời triển khai có hiệu quả các chủ truơng, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ GD&ĐT trong lĩnh vực giáo dục.
Bộ GD&ĐT đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế nhằm đánh giá toàn diện kết quả đạt được sau 10 năm triển khai thực hiện; chỉ ra các khó khăn, tồn tại, hạn chế cần khắc phục và đề xuất các định hướng phát triển GD&ĐT trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ GD&ĐT đã ban hành 6 Kế hoạch hành động của Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện các Nghị quyết phát triển vùng nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc lĩnh vực GD&ĐT; đồng thời tổ chức thành công 6 Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng.
Triển khai Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành các báo cáo, tham gia đoàn giám sát thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông tại một số địa phương. Các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT tham gia và chuẩn bị tài liệu phục vụ các Đoàn giám sát.
Năm học 2022 - 2023, chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đại trà, mũi nhọn tiếp tục nâng lên. |
Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học (lớp, 1, lớp 2, lớp 3); cấp trung học cơ sở (lớp 6, lớp 7); cấp trung học phổ thông (lớp 10). Các địa phương và các cơ sở giáo dục đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Đội ngũ giáo viên đã cơ bản thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; việc tổ chức quản lí đã chuyển dần theo hướng quản trị nhà trường.
Chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đại trà, mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được thế giới ghi nhận. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm trước. Kết quả tại các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2022 và 2023, các đội tuyển đều đạt thành tích cao. Tính đến thời điểm này, học sinh Việt Nam đã đạt 21 Huy chương Vàng, 25 Huy chương Bạc, 20 Huy chương Đồng và 10 Bằng khen.
Tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 đảm bảo nghiêm túc và an toàn với tổng số thí sinh dự thi là 1.012.389 thí sinh. Theo kết quả ban đầu, tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 98,88%. Kết quả trên phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương theo vùng miền.
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 được tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc, an toàn. |
Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022 - 2026; phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan hoàn thiện báo cáo để Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo quy định tại Luật Giáo dục 2005. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập để làm căn cứ pháp lý cho các địa phương thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên mầm non trong các trường mầm non công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; thực hiện bồi dưỡng thường xuyên tương ứng cho từng nhóm đối tượng; triển khai lộ trình đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.
Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Các địa phương đã chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh và phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục mầm non, Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học. Bộ GD&ĐT đã ban hành tiêu chí, quy trình xây dựng học liệu điện tử các cấp học làm cơ sở xây dựng hệ thống bài giảng trực tuyến dùng chung; đẩy mạnh việc số hóa, xây dựng Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, kết nối Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm.