Dự án đường Vành đai 4 - Cần giải phóng mặt bằng đồng bộ một lần
Dự án đường Vành đai 4 có ý nghĩa, tác động lớn đến phát triển kinh tế Hội đồng nhân dân TP Hà Nội thông qua chủ trương bố trí 23.524 tỷ đồng cho Dự án đường Vành đai 4 |
Đánh giá cao Chính phủ đã đề nghị đầu tư cho các dự án giao thông trong cả nước, đặc biệt là 2 dự án đường vành đai quan trọng này, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị chú ý đến chất lượng, phải xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thật tốt, đảm bảo con đường sử dụng được khoảng 100 năm.
“Trong Tờ trình của Chính phủ đề nghị thời gian thu phí là 21 năm, tôi có ý kiến xin xem xét để việc thu phí hoàn vốn là 30 năm, như vậy sẽ nhẹ bớt cho nhà đầu tư và làm giảm được giá thu phí đường cho nhân dân. Một con đường đã được xây dựng với chất lượng, độ bền là 100 năm nếu thu phí hoàn vốn 30 năm thì vẫn còn 70 năm nữa, hằng năm chỉ tu sửa để dùng vẫn rất có hiệu quả”, đại biểu nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh đều là đường cao tốc, nhưng khác hoàn toàn so với các tuyến đường cao tốc khác, đây là cao tốc của vành đai nên khi tuyến đường này hình thành nên thì chắc chắn khu vực lân cận quanh tuyến đường sẽ hình thành nên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối và đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng này.
Hướng tuyến đường Vành đai 4 đi qua các tỉnh và Hà Nội. (ảnh: VGP). |
Đại biểu cho hay, mới chỉ nghe dư luận là Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường này thì trong vòng vài 3 tháng qua đất đai ở khu vực này đã sôi động, giá tăng lên rất nhiều lần. Đây là một nguồn lực rất lớn nếu không có biện pháp khai thác thì sẽ bị lãng phí.
Vì vậy, cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai, đại biểu cho rằng, nên quy hoạch đồng thời khu vực 2 bên đường, để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường, không chỉ là 2 đường song hành như trong đề án đề xuất. Sau đó thì tổ chức đấu thầu các dự án này.
“Nếu làm được việc đó thì chúng ta sẽ có được các khu đô thị hiện đại. Chúng ta sẽ khai thác nguồn lực, tránh để phát triển tự phát sẽ tạo ra tình trạng bất cập của những khu đô thị tự phát”, đại biểu nói.
Đại biểu cũng phân tích, giá đất xung quanh các tuyến đường này tăng lên rất nhanh. Nếu không giải phóng mặt bằng một lần mà làm đến đâu giải phóng đến đấy thì sẽ phải chi phí rất lớn và rất khó khăn.
Vì vậy, đại biểu đồng tình phương án giải phóng mặt bằng ngay một lần toàn bộ các phần diện tích đất đai dự trữ cho phát triển các công trình hạ tầng trong tương lai, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho cả nguồn thu Nhà nước cũng như đảm bảo ổn định xã hội tốt hơn.
Đường Vành đai 4 đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm tải cho đường Vành đai 3. (ảnh minh họa). |
Về phương thức đầu tư, đại biểu đánh giá rất cao thành phố Hà Nội đã mời gọi được các nhà đầu tư bày tỏ nguyện vọng là tham gia vào đầu tư dự án thành phần 3 xây dựng toàn bộ hệ thống đường cao tốc của đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo phương thức BOT. Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đồng tình tách riêng các khoản chi phí như chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng các đường gom, chi phí xây dựng đường cao tốc, tách thành 3 cấu phần riêng.
Đại biểu Khuất Việt Dũng lại đề nghị bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án này để thực hiện trong kỳ dự án mà Chính phủ đã đề nghị cũng như Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến. Theo đại biểu, nếu cần, phải cho phát hành trái phiếu.
Đại biểu cũng nhất trí cần giải phóng mặt bằng một lần như trong báo cáo của Hà Nội, vừa tiết kiệm được chi phí giải phóng mặt bằng và đảm bảo ổn định sớm đời sống của nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh cũng nhìn nhận, nên có một cơ chế thống nhất về đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư trên toàn tuyến và đặc biệt là phải có một Ban Chỉ đạo trực tiếp quyết định các vấn đề quan trọng và đủ thẩm quyền.
“Tôi kiến nghị Quốc hội trao thêm quyền cho Ban Chỉ đạo này và với các vấn đề phát sinh mới thì chỉ cần báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét và ra quyết định”, đại biểu nói.
Đại biểu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đánh giá, dự án liên quan đến một số tỉnh trong vùng Thủ đô nên giải phóng mặt bằng, xây dựng đường song hành được triển khai độc lập theo địa giới hành chính. Vì vậy, cần có sự phân công hợp lý cho Hội đồng điều phối vùng, tăng thêm quyền chủ trì điều phối cho Hà Nội trong triển khai dự án.
Để phát huy hiệu quả của Vành đai 4, đại biểu cho rằng, không chỉ cần các tỉnh và Hà Nội đẩy mạnh nghiên cứu, lập quy hoạch, tổ chức kêu gọi đầu tư mà còn cần Chính phủ có sự chỉ đạo quyết liệt để ngoài đường giao thông còn có không gian đô thị hiện đại, bền vững như quan điểm, mục tiêu đã đề ra.
“Sau khi dự án được phê duyệt đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc tăng cường hơn nữa việc công khai, công bố rộng rãi dự án đến nhân dân để phát huy vai trò, trách nhiệm và tạo sự đồng thuận cao”, đại biểu nói.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhìn nhận, trong thời gian qua Hà Nội và thành phố Chí Minh đã có những chuẩn bị tích cực cho dự án này. “Tôi rất hy vọng Quốc hội sẽ thông qua chủ trương và chúng ta sẽ triển khai xây dựng các tuyến đường này như một mẫu hình của một tư duy mới, của một sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống chính trị.
Chúng ta không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của các địa phương, chúng ta không thể chỉ đòi hỏi tinh thần đổi mới sáng tạo của họ mà chúng ta còn phải bảo vệ họ, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm. Tôi nghĩ bên cạnh các quyết sách của chúng ta trong việc đưa ra thể chế đặc thù thì cần có những chính sách đặc thù về bảo vệ cán bộ trong giai đoạn mới”, đại biểu nói.
Theo Phương Thảo/laodongthudo.vn
https://laodongthudo.vn/du-an-duong-vanh-dai-4-can-giai-phong-mat-bang-dong-bo-mot-lan-141447.html