Đại biểu kiến nghị yêu cầu tăng năng suất lao động là vấn đề cấp bách
Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương cơ sở từ 1/1/2023 Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt Đề xuất tăng thời hiệu kỷ luật hành chính với cán bộ, công chức, viên chức |
Tiềm năng lao động chưa được khai thác tốt
Đây là ý kiến phát biếu của đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế xã hội. Đại biểu cho rằng, có một nốt trầm, một nghịch lý đang diễn ra với năng suất lao động và thị trường lao động là vì sao năng suất lao động chưa cao, trong khi trình độ lao động, tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng tăng, bài toán chênh lệch cung - cầu, vừa thừa, vừa thiếu lao động và làm thế nào để thích ứng với sự chuyển động của thị trường lao động theo xu hướng chuyển đổi số, cơ cấu ngành nghề và các mô hình việc làm mới hậu Covid-19.
“Con số về năng suất lao động của nước ta nếu quy đổi theo sức mua tương đương năm 2021 là khoảng 21.500 USD, thấp hơn nhiều nước trong khu vực”, đại biểu nói.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình). (Ảnh: Quốc hội) |
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh kiến nghị xem xét sớm thành lập Ủy ban năng suất quốc gia và quyết tâm hoàn thiện môi trường thể chế pháp luật để có thể triển khai thành công các chỉ đạo, chính sách thúc đẩy năng suất lao động của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy phong trào tăng năng suất lao động, kết nối hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, Quốc hội cần sớm sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm phù hợp với hình thái việc làm nghề nghiệp mới, quan hệ lao động mới. Ngoài ra, việc vận hành hiệu quả Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng sẽ góp phần xây dựng hệ thống tiền lương phù hợp với thị trường, thu hút nhân lực chất lượng cao.
Dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết tăng trưởng năng suất lao động năm 2022 không đạt, trong khi các chỉ tiêu khác để đảm bảo cho tăng trưởng, năng suất lao động đều đạt và vượt, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nhìn nhận, điều này chứng tỏ chất lượng lao động, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta còn thấp và ý thức lao động chưa cao, tiềm năng lao động chưa được khai thác tốt.
“Điều đáng suy nghĩ là trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, chúng ta đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải thiện năng suất lao động, nhưng chỉ số tăng năng suất lao động của chúng ta ngày càng tỷ lệ nghịch với nỗ lực đó”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). (Ảnh: Quốc hội) |
Để cải thiện vấn đề này, đại biểu đoàn Hải Dương đề nghị Chính phủ rà soát và xem xét để bổ sung vào mục tiêu tổng quát thêm mục tiêu cải thiện rõ rệt năng suất lao động xã hội. Đồng thời, nhấn mạnh các giải pháp như: nâng cao chất lượng đào tạo nghề, kỹ năng lao động và nâng cao kỷ luật, kỷ cương lao động, nâng cao năng lực tư duy của lao động để theo kịp với sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật, gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với việc nâng cao năng suất lao động xã hội.
Mỗi doanh nghiệp lớn sẽ là một trường thực hành
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, nhìn tổng quát cho thấy, lực lượng lao động phục hồi nhanh. Đến nay, quy mô lao động đã đạt 51,9 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với cùng kỳ. Tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động đạt 68,7%, tỷ lệ thất nghiệp trong quý III đến thời điểm này là 2,28%. Như vậy, có thể thấy rằng chúng ta thuộc các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Công tác giáo dục nghề nghiệp thời gian qua, có chuyển biến tích cực hơn về cả quy mô lẫn chất lượng. Tỷ lệ người học nghề tăng lên, nhận thức xã hội của gia đình và người học có chuyển biến, đào tạo chất lượng cao được chú trọng hơn.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình tại phiên thảo luận. (Ảnh: Quốc hội) |
Điều đáng mừng là kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam được tăng cường. Tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành, nghề, trình độ đào tạo được tăng lên. Lao động Việt Nam tham gia vào công tác quản lý trong các doanh nghiệp FDI tăng nhanh, đảm nhận nhiều vị trí, lĩnh vực việc làm phức tạp mà trước đây đều phải do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nhất là các lĩnh vực cơ điện tử, hàn, viễn thông, dầu khí... Tại cuộc thi tay nghề thế giới ngày 17/10 vừa qua, với gần 100 quốc gia tham gia, Việt Nam đạt 2 Huy chương Bạc, là thành tích tốt nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, lao động có chứng chỉ bằng cấp còn thấp, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Chúng ta đang thiếu lao động cục bộ, đặc biệt thiếu nhân lực chất lượng cao, dẫn đến năng suất lao động thấp. Lao động phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao, dịch chuyển lao động, chuyển đổi nhân lực thấp.
Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững phát triển; Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển thị trường linh hoạt, hiện đại, bền vững, phát triển, nòng cốt là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết cung cầu lao động, góp phần chuyển dịch, nâng cao năng suất lao động.
Đồng thời, đầu tư các chương trình đầu tư công, phát triển các trường, các trung tâm chất lượng cao. Khẩn trương hoàn thiện, tiếp nhận chuyển giao các chương trình đào tạo chất lượng cao hàng đầu thế giới, nhất là của Đức. Phấn đấu vào top ASEAN 4 và một số trường đạt chuẩn quốc tế, góp phần để dẫn dắt và lan tỏa.
“Thực hiện đào tạo kép, cơ chế doanh nghiệp, nhà nước và người học cùng tham gia, mỗi doanh nghiệp lớn sẽ là một trường thực hành. Nhất quán chủ trương phân luồng sớm, phân luồng mạnh, nâng cao tỷ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là kỹ năng nghề”, Bộ trưởng nói.