Công đoàn Dệt May Việt Nam thiết thực chăm lo, bảo vệ lao động nữ
Mang niềm vui đến với lao động nữ huyện Thạch Thất Đơn giản thủ tục cấp giấy phép cho lao động nước ngoài tại Việt Nam Đề xuất hai phương án cấp giấy phép cho lao động nước ngoài tại Việt Nam |
Cụ thể, Công đoàn Dệt May Việt Nam luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách, kiến thức liên quan đến nữ, bình đẳng giới, gia đình, trẻ em, sức khỏe sinh sản bằng nhiều hình thức, trong đó ưu tiên mạng xã hội và hình ảnh trực quan sinh động, dễ gần, dễ hiểu; tích cực tham gia xây dựng chính sách có liên quan đến quyền, lợi ích của lao động nữ như góp ý bổ sung sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội.
Công đoàn Dệt May Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chương trình “Xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, vì sự tiến bộ của lao động nữ” - 1 trong 5 chương trình công tác lớn nhiệm kỳ 2018 - 2023 với nhiều chỉ tiêu và giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền lao động nữ.
Đáng chú ý, Công đoàn ngành đã ký kết Thỏa ước Lao động tập thể cấp ngành với nhiều nội dung có lợi cho lao động nữ như: Tặng quà các ngày của chị em; khuyến khích lắp đặt phòng vắt trữ sữa, hỗ trợ thêm ho lao động nữ ngoài các khoản theo quy định của Bộ luật Lao động...
Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm tham luận tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam |
Tại cấp cơ sở, Thỏa ước Lao động tập thể của nhiều đơn vị quy định các điều khoản cao hơn luật dành cho lao động nữ như: Tầm soát ung thư, khám sức khỏe sinh sản, tổ chức chuyền may riêng với ghế ngồi phù hợp và suất ăn dinh dưỡng cho lao động nữ mang thai, tặng quà cho lao động nữ sinh con trong kế hoạch, hỗ trợ chi phí gửi trẻ, hỗ trợ chi phí tránh thai cho lao động nữ khi đã sinh đủ 2 con...
Công đoàn ngành cũng thường xuyên nắm bắt hoàn cảnh, đồng hành, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời, giúp chị em giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Nhiệm kỳ 2018 - 2023 vừa qua, toàn hệ thống đã trích gần 67,5 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 594 nghìn lượt lao động nữ.
Không dừng lại ở các hoạt động bảo vệ quyền lợi, chăm lo đời sống vật chất, Công đoàn Dệt May Việt Nam cũng chú trọng tạo các giải pháp nhằm tạo ra môi trường học tập và thi đua lành mạnh, tích cực, tạo cơ hội để nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) phấn đấu, phát triển bản thân. Nhiệm kỳ qua, có 232 nghìn lượt lao động nữ được học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, gần 1.500 nữ CNVCLĐ được đề bạt, thăng tiến trong công việc.
Các phong trào thi đua trong lao động nữ, đặc biệt là phong trào “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà” được đổi mới cả về nội dung và hình thức. 5 năm qua, có trên 41.700 lượt nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” các cấp.
Đặc biệt, Công đoàn Dệt May Việt Nam là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong hệ thống Công đoàn toàn quốc tính đến thời điểm này có giải thưởng riêng cho lao động nữ mang tên bà tổ nghề May Nguyễn Thị Sen, dành tặng những lao động nữ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành. Giải thưởng đã tạo hiệu ứng tích cực, sôi nổi trong thi đua đối với nữ. Qua 5 lần xét thưởng, đã có 50 lao động nữ tiêu biểu được tôn vinh.
Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm trao quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Chương trình "Tết sum vầy - ngày hội công nhân - phiên chợ nghĩa tình" Xuân Quý Mão 2023 |
Ngoài ra, Công đoàn Dệt May Việt Nam còn có nhiều mô hình mới, sáng tạo trong đồng hành cùng lao động nữ tổ chức cuộc sống gia đình, giữ lửa hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan…
Tham luận tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam mới đây, bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai các hoạt động cho nhiệm kỳ mới, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã xây dựng Chương trình: “Đồng hành cùng lao động nữ trong phát huy năng lực bản thân và xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc” và đề ra các giải pháp cụ thể cho hoạt động cả nhiệm kỳ để tiếp tục chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho lao động nữ.
Theo đó, trong nhiệm kỳ mới, Công đoàn ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu đặc thù, điều kiện làm việc của ngành để tham gia xây dựng chế độ chính sách nữ, đặc biệt là chế độ đối với lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ; tăng cường các chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng, tay nghề, năng lực thích ứng cho lao động nữ để có được việc làm bền vững.
Công đoàn ngành sẽ cập nhật, đổi mới các nội dung, hình thức thi đua trong nữ CNVCLĐ phù hợp thực tiễn, gắn với phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; lan tỏa hình ảnh, giá trị và nguồn cảm hứng của “Giải thưởng Nguyễn Thị Sen” trong và ngoài hệ thống.
Công đoàn ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu những hình thức mới lạ, nội dung hấp dẫn, thiết thực gắn với nhu cầu, sở thích, sự quan tâm của lao động nữ để triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động, văn hóa, thể thao, các cuộc thi, các chương trình... lôi cuốn sự vào cuộc của nam giới, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ ứng xử, sự đồng cảm và chia sẻ của các đồng nghiệp nam cũng như những người đàn ông trong mỗi gia đình đồng thời thúc đẩy các câu lạc bộ sở thích, các thiết chế cơ sở gắn với nhu cầu ăn ở, gửi trẻ, vui chơi giải trí, nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt, ổn định cuộc sống cho người lao động…