Chương trình 1 triệu sáng kiến về đích trước thời hạn gần 11 tháng
Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết: Vào lúc 15h34 ngày 3/10/2022, Chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động đã ghi nhận mốc 1 triệu sáng kiến được cập nhật, vượt chỉ tiêu đề ra trước thời hạn 332 ngày (gần 11 tháng).
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chánh Văn phòng Tổng LĐLĐ Việt Nam (trái ảnh) tới động viên, tặng quà cho anh Hoàng Quang Sáng - đoàn viên Công đoàn Công ty Toyota Việt Nam (thứ hai từ phải qua) - một trong những cá nhân cán mốc 1 triệu sáng kiến. Ảnh: B.D |
Trong số đó, có 26 đơn vị vượt chỉ tiêu đăng ký, điển hình như: LĐLĐ tỉnh Hậu Giang, Công đoàn Công Thương Việt Nam, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang…
Trong khoảng thời gian 4 tháng 3 ngày của giai đoạn 2 (1/6/2022-1/9/2023), điểm nổi bật là số lượng sáng kiến của đoàn viên, người lao động trực tiếp tăng nhiều, trong đó khu vực doanh nghiệp tăng mạnh (chiếm khoảng 39%), nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhiều sáng kiến có giá trị, làm lợi cao cho đơn vị, doanh nghiệp như: Sáng kiến “Cải tiến chất lượng khuôn và giảm chi phí sửa khuôn bằng cải tiến bản vẽ thiết kế khuôn của nhà cung cấp” của anh Hoàng Văn Thành - công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam, có giá trị làm lợi 16 tỷ đồng/năm; sáng kiến “Đào lò kéo dài dọc vỉa than V7 CB tầng -25/+30 để tận thu tài nguyên” của anh Đỗ Hải Lâm - Công ty Than Mạo Khê, giá trị làm lợi 15,9 tỷ đồng/năm.
Hay như sáng kiến “Cải thiện lưu trình đóng gói lưu trình hình thể” của chị Lê Thị Minh Thu - Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam, giá trị làm lợi 5,5 tỷ đồng/năm; sáng kiến “Cải tiến lại bố cục sắp xếp sản trên khổ vải và cải tiến lại máy” của anh Trịnh Văn Hòa - Công ty TNHH Toyota Boshoku Hải Phòng, giá trị làm lợi 7,2 tỷ đồng/năm…
Tính đến thời điểm hiện nay, giá trị làm lợi của các sáng kiến tham gia chương trình ước tính khoảng 16.000 tỷ đồng.