Cho phép tổ chức hội nghị nhà chung cư trực tiếp và trực tuyến
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) góp ý quy định cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư tại Điều 152 dự thảo Luật. Theo đó, trong thời gian không quá 10 ngày mà chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư.
Đại biểu cho rằng, quy định này liệu đã thực sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và năng lực thực hiện của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hay chưa? Với số lượng nhà chung cư ở các tỉnh, thành phố rất lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thì Ủy ban nhân dân Thành phố có đủ khả năng về thời gian, nhân lực để xử lý vấn đề này hay không? “Đề nghị cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu quy định giao cho cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện, quận thực hiện công việc nêu trên”, đại biểu nói.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, dự thảo Luật chỉ mới quy định việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì đối với chủ đầu tư. Trong thực tế khi chung cư xuống cấp cần kinh phí để sửa chữa, bảo trì các hạng mục xuống cấp nhưng không đủ kinh phí cần phải thu thêm, nhất là đối với các chung cư xây dựng trước năm 2006 không có quỹ bảo trì.
Toàn cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội |
Theo đại biểu, có nhiều chủ sở hữu vì lý do nào đó không chịu đóng kinh phí, điều này dẫn đến khó khăn cho công tác bảo trì, sửa chữa chung cư, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các hộ gia đình khác nhưng Ban quản trị không có biện pháp nào để buộc các chủ sở hữu phải đóng.
Do vậy, đại biểu đoàn Ninh Bình đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung hành vi không đóng kinh phí bảo trì của chủ sở hữu căn hộ là hành vi bị nghiêm cấm vào Điều 3, làm cơ sở để Chính phủ ban hành quy định xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành đối với hành vi này.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cũng góp ý về chỗ để xe ô tô nhà chung cư. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 142 dự thảo Luật thì “chỗ để xe ô tô nhà chung cư có thể được chủ sở hữu căn hộ thuê hoặc mua, việc thuê hoặc mua này có thể ghi trong hợp đồng mua bán căn hộ hoặc là hợp đồng riêng”.
Đại biểu băn khoăn người sở hữu căn hộ mua chỗ để xe ô tô bằng hợp đồng riêng thì khi họ bán căn hộ của họ sở hữu có bắt buộc phải bán luôn chỗ để xe ô tô hay có quyền giữ lại chỗ để xe ô tô này, mặc dù họ không còn sở hữu căn hộ tại chung cư đó?
“Dự thảo Luật đề cập đến việc chỗ để xe ô tô của khu chung cư là phải đảm bảo nguyên tắc ưu tiên cho các chủ sở hữu nhà chung cư trước, sau mới dành chỗ để xe công cộng. Vấn đề này chưa được quy định rõ ràng, sẽ dẫn đến bất cập là có trường hợp cư dân đã bán căn hộ rồi, không còn sở hữu căn hộ nào tại chung cư nhưng vẫn còn sở hữu chỗ để xe.
Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, quy định rõ vấn đề này trong dự thảo Luật, đồng thời quy định rõ trong luật về cơ quan có thẩm quyền phải kiểm soát các quy định của hợp đồng mua bán nhà chung cư đảm bảo quyền lợi của người mua”, đại biểu nói.
Về hình thức tổ chức họp hội nghị nhà chung cư, dự thảo Luật quy định hình thức họp đã mở hơn so với quy định hiện hành, đó là thay vì bắt buộc chỉ họp bằng hình thức trực tiếp, trong trường hợp do dịch bệnh, thiên tai thì có thể họp trực tuyến hoặc kết hợp họp trực tiếp và họp trực tuyến.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, thực tiễn cho thấy có nhiều nhà chung cư có quy mô lớn, số dân nhiều nên việc tổ chức hội nghị nhà chung cư trực tiếp là không khả thi.
Tại Thông tư số 06/TT-BXD ngày 31/10/2019 của Bộ Xây dựng cũng đã có quy định "khuyến khích chủ đầu tư, Ban Quản trị, đơn vị quản lý vận hành, chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quá trình quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư", cùng với xu hướng áp dụng công nghệ định danh chủ sở hữu theo mã căn hộ thì việc họp trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp với trực tuyến sẽ là hình thức phù hợp và khả thi.
Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật sửa đổi quy định cho phép tổ chức họp hội nghị nhà chung cư bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến, hoặc kết hợp cả trực tiếp với trực tuyến trong mọi hoàn cảnh chứ không chỉ cho phép họp trực tuyến hoặc kết hợp cả họp trực tiếp và trực tuyến trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh.