Xét xử cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận: Doanh nghiệp đồng ý bồi thường thiệt hại
Vụ chiếm đoạt “đất vàng” tại phố Bà Triệu: Cho các bên thương lượng trước khi phán quyết Mua "sổ đỏ" giả trên mạng rồi lừa bán 300 triệu đồng Lời xin lỗi muộn màng của cựu Bí thư Bình Dương |
Có mặt tại Tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận bày tỏ mong muốn thu hồi thiệt hại vụ án, sung ngân sách Nhà nước. Đại diện UBND tỉnh Bình Thuận xin Hội đồng xét xử xem xét những thành tích cống hiến của các bị cáo cho địa phương trong nhiều năm qua để cho họ được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Nguyên đơn dân sự cho rằng, thực tế, khu đất thời đó là nghĩa địa mồ mả, có nhiều hố sau khi di dời hài cốt. Do đó, phần lớn các nhà đầu tư không quan tâm, khó tiến hành đấu giá. Mặt khác, áp lực thu ngân sách tỉnh rất lớn, các bị cáo nôn nóng hành động vì mục đích chung của tỉnh, không có động cơ vụ lợi.
Toàn cảnh phiên tòa. |
Trình bày trước Hội đồng xét xử, đại diện Công ty Tân Việt Phát đồng tình với ý kiến của đại diện UBND Bình Thuận, hứa xin nộp số tiền 45 tỷ đồng nếu như tòa án xác định số tiền này là thiệt hại của vụ án. Đại diện Công ty cho biết, phía Tân Việt Phát không đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận áp giá thấp khi xin mua và giao đất.
Trước đó, trong phiên xét xử ngày 10/5, bị cáo Nguyễn Ngọc Hai thừa nhận hành vi phạm tội song phủ nhận bản thân chịu trách nhiệm với vai trò chính trong vụ án. Bị cáo cho biết quy trình làm việc tại UBND tỉnh thì các công văn, đề xuất của cơ quan ban ngành không được trình trực tiếp lên Chủ tịch mà sẽ thông qua Văn phòng, rồi các Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực đó tham mưu, đánh giá. Bị cáo chỉ ký duyệt quyết định giao đất vào tháng 2/2017 khi các Phó chủ tịch đã thông qua, ký nháy, cho ý kiến.
Theo cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận, 3 lô đất giao cho Tân Việt Phát trước đây là bãi tha ma. UBND Tỉnh đã giải phóng mặt bằng hơn 3 năm song đấu giá 6 lần không thành công. Mục đích giao đất cho Tân Việt Phát là nhằm thu ngân sách, biến đất thành trung tâm thương mại giải quyết sinh kế cho người dân.
Khi có dư luận về việc áp giá giao đất không đúng quy định thì ông đã yêu cầu bị cáo Nguyễn Văn Phong (khi đó là giám đốc Sở Tài chính) kiểm tra lại. Sau đó, được báo cáo lại bằng văn bản, khẳng định việc giao đất là phù hợp với Luật Đất đai, đúng quy định pháp luật.
Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai. |
Theo cáo trạng, năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận chủ trương bán đấu giá 3 lô đất diện tích hơn 92.000 m2, giá khởi điểm hơn 111 tỷ đồng (1,2 triệu đồng/m2) để xây nhà ở thương mại nhưng không có đơn vị, cá nhân nào tham gia. Hai năm sau, giá đất ở Bình Thuận liên tục tăng. Tháng 7/2016, Chủ tịch UBND Tỉnh Nguyễn Ngọc Hai ra quyết định điều chỉnh giá đất ở khu vực có ba lô đất trên lên 1,6 triệu đồng/m2.
Đầu năm 2017, Công ty Tân Việt Phát có công văn gửi UBND tỉnh xin giao ba lô đất này không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất để làm Trung tâm Thương mại dịch vụ và dân cư đô thị Tân Việt Phát 2.
Sở Tài nguyên và Môi trường có công văn tham mưu cho UBND Tỉnh về việc giao chỉ tính giá khởi điểm ban đầu năm 2013 (1,2 triệu đồng/m2). Sở Tài chính đồng ý với giá đó.
Tháng 2/2017, UBND Tỉnh gửi công văn cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, đồng ý chủ trương giao đất cho Công ty Tân Việt Phát với đề xuất trên. Doanh nghiệp sau đó nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, rồi được giao đất thực hiện dự án. Hành vi của các bị cáo gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 45 tỷ đồng.