Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị đề nghị mức án 5-6 năm tù
Sáng 12/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai và 11 đồng phạm trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” chuyển sang phần tranh tụng. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với 12 bị cáo.
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Tòa tuyên phạt mức án từ 5-6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.
Cùng bị đề nghị phạt tù với bị cáo Nguyễn Ngọc Hai về tội danh trên có 10 bị cáo khác gồm: Lương Văn Hải (sinh năm 1960, cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận) bị đề nghị từ 4-5 năm tù; Ngô Hiếu Toàn (sinh năm 1977, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh) 30-36 tháng tù.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội công bố bản luận tội. |
Tám bị cáo thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận là Hồ Lâm (sinh năm 1960, cựu Giám đốc Sở), Lê Nguyễn Thanh Danh (sinh năm 1980, cựu Phó Giám đốc Sở) đều bị đề nghị mức án từ 4-5 năm tù; Đặng Hoài Nhân (sinh năm 1965, cựu Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất), Nguyễn Thị Thu Phong (sinh năm 1962, cựu Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất) cùng bị đề nghị từ 30-36 tháng tù; Nguyễn Thanh Cho (sinh năm 1973, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai), Lê Nam Hưng (sinh năm 1980, cựu Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai), Phạm Duy Cường (sinh năm 1974, cựu Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý Đất đai) đều bị đề nghị mức 24-30 tháng tù; Lê Anh Huy (sinh năm 1977, cựu chuyên viên Phòng Kinh tế Đất, Chi cục Quản lý Đất đai) bị đề nghị từ 18-24 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Phong (sinh năm 1967, cựu Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận) bị đề nghị từ 24-30 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360, khoản 3, điểm d - Bộ luật Hình sự.
Về dân sự, Viện Kiểm sát xác định sai phạm của dàn cựu cán bộ tỉnh Bình Thuận dẫn đến Công ty Tân Việt Phát hưởng lợi số tiền chênh lệch 45 tỷ đồng mà lẽ ra phải nộp đủ cho Nhà nước, thì mới được giao đất. Doanh nghiệp được hưởng lợi bất chính không có căn cứ pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước nên Viện Kiểm sát đề nghị bên có quyền nghĩa vụ liên quan phải tiếp tục nộp lại số tiền này. Tại tòa, đại diện Tân Việt Phát cũng đã xin nộp lại số tiền, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện này.
Các bị cáo nghe luận tội. |
Theo quan điểm luận tội của đại diện Viện Kiểm sát, các bị cáo đều là những người có chức vụ, quyền hạn, công tác tại Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận, có quá trình rèn luyện, phấn đấu, được đào tạo bài bản, chuyên sâu, có nghiệp vụ chuyên môn vững vàng đối với từng lĩnh vực mình công tác.
Đáng lẽ các bị cáo phải là những người tiên phong, đi đầu, nắm vững và tuân thủ pháp luật, để tham mưu, đề xuất về từng lĩnh vực chuyên môn, nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế cho địa phương, cũng như góp phần thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Nhưng các bị cáo đã thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đất đai, áp dụng giá khởi điểm để giao đất sai quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 45 tỷ đồng. Hành vi phạm tội của các bị cáo gây dư luận xấu, làm mất niềm tin đối với nhân dân.
Vì vậy, việc đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo thể hiện việc kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm của Đảng và Nhà nước, cũng như của toàn xã hội, đặc biệt là tội phạm về kinh tế và chức vụ. Pháp luật không có vùng cấm, bất cứ ai, dù ở cương vị nào, nếu vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo quy định, qua đó để củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, quá trình diễn ra phiên tòa, các bị cáo trong vụ án đều đã thành khẩn khai báo, phạm tội không có động cơ mục đích gì khác ngoài việc mong muốn tạo nguồn thu cho tỉnh, mong muốn đạt được chi tiêu thu ngân sách nhà nước.
Các bị cáo không có mục đích tư lợi cá nhân cũng như tạo mối quan hệ để có tác động từ phía doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lưu tâm khi quyết định trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo.