Xây dựng người phụ nữ thời đại mới trong nữ công nhân, viên chức, lao động
Trên 80% nữ công nhân viên chức lao động Thủ đô “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” Nữ công nhân giỏi luôn nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề |
Đẩy mạnh công tác phối hợp
Hiện nay, LĐLĐ Thành phố đang quản lý trực tiếp 9.360 Công đoàn cơ sở với 700 nghìn đoàn viên, trong đó tỷ lệ nữ chiếm 59%, có mặt trên mọi lĩnh vực công tác, từ tham gia công tác quản lý, đến chuyên môn và trực tiếp sản xuất.
Tham luận tại Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ 2021 - 2026 kết quả triển khai thực hiện các phong trào thi đua và công tác tập hợp thu hút hội viên Thành phố Hà Nội, bà Bùi Thị Thanh Giang - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ Thành phố cho biết: Thực hiện chương trình phối hợp giữa LĐLĐ và Hội LHPN Thành phố về tổ chức các hoạt động trong nữ CNVCLĐ; căn cứ Kế hoạch của Trung ương Hội và Hội LHPN Thành phố, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”; "Xây dựng người Phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch” tới các cấp Công đoàn, với nhiều nội dung, nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, thiết thực.
Trên cơ sở Kế hoạch của LĐLĐ Thành phố, các cấp Công đoàn đã xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức triển khai phong trào với nội dung, hình thức đa dạng, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thu hút, tập hợp sự tham gia của nữ CNVCLĐ.
Phụ nữ có mặt trên mọi lĩnh vực công tác, từ tham gia công tác quản lý, đến chuyên môn và trực tiếp sản xuất. |
Trong đó, chủ động lồng ghép nội dung phong trào thi đua với các cuộc vận động, phong trào thi đua của chuyên môn và công đoàn, như: Phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến Thủ đô”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; xây dựng “Gia đình CNVCLĐ Thủ đô tiêu biểu”; tuyên truyền các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; nếp sống, lối sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh; thông qua các cuộc truyền thông, hội thảo, tọa đàm, hội thi, giao lưu, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt tổ công đoàn, sinh hoạt câu lạc bộ nữ công; câu lạc bộ nữ khoa học;
Phối hợp tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn. Phát động sâu rộng trong nữ CNVCLĐ phong trào học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Phối hợp với chuyên môn khuyến khích tạo điều kiện về thời gian, kinh phí đào tạo để lao động nữ tự học tập, tham gia các loại hình đào tạo, bồi dưỡng.
Các cấp Công đoàn cũng đã cụ thể hóa nội dung, tiêu chí của phong trào thi đua phù hợp với từng ngành nghề, từng cơ quan, đơn vị, gắn với việc thực hiện các nội dung của phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Thực hiện thi đua gắn với chuyên môn
Trong các đơn vị sản xuất kinh doanh bằng các phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, công nhân giỏi, nhân viên điểm 10, thi viết sáng kiến, đề án đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao với năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, nữ cán bộ, công chức đã tích cực tham gia các phong trào thi đua “Xây dựng cơ quan văn hóa, ngày làm việc 8 giờ có chất lượng, hiệu quả” gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”.
Với khối giáo dục, phong trào được triển khai gắn với các phong trào của chuyên môn như: “Dạy tốt, học tốt”, “Cô giáo người mẹ hiền”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học, tự sáng tạo”. Với ngành y tế, phong trào đã được cụ thể hoá bằng các phong trào thi đua “Nụ cười bệnh nhân, niềm vui người thầy thuốc”, thực hiện y đức chống tiêu cực trong bệnh viện, “Nghiên cứu khoa học, sáng kiến sáng tạo”…
Thông qua việc triển khai thực hiện phong trào, hằng năm đã có nhiều cá nhân tiêu biểu được nhận các danh hiệu thi đua, được các cấp các ngành, Công đoàn tôn vinh, khen thưởng và ngày càng có nhiều nữ tham gia các vị trí quản lý, giữa các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Thanh Giang, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế khi triển khai phong trào thi đua như: Tình hình đời sống, việc làm của một bộ phận nữ CNVCLĐ còn khó khăn; nữ công nhân lao động với áp lực thực hiện nhiệm vụ sản xuất, ca kíp vất vả nên chưa dành nhiều thời gian tham gia phong trào.
Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua gắn với các phong trào chung của chuyên môn trong nữ CNVCLĐ. |
Bên cạnh đó, một số đơn vị triển khai phong trào còn hình thức, chưa hấp dẫn, thu hút nữ CNVCLĐ tham gia; việc đăng ký thi đua, sơ tổng kết chưa thường xuyên, khen thưởng còn hạn chế, chủ yếu giới thiệu gương tiêu biểu đề nghị cấp trên khen thưởng.
Trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, "Xây dựng người Phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch” trong nữ CNVCLĐ Thủ đô đạt hiệu quả, Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ Thành phố Bùi Thị Thanh Giang cũng đề xuất: Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua gắn với các phong trào chung của chuyên môn, của Công đoàn, của địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, với các mô hình, việc làm thiết thực, có tính bền vững, thực sự đem lại quyền lợi thiết thực cho nữ CNVCLĐ, thu hút đông đảo nữ CNVCLĐ tham gia phong trào.
Phối hợp tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, giao lưu, hội thi, biên soạn tài liệu tuyên truyền phù hợp hỗ trợ cho sinh hoạt nữ CNVCLĐ. Xây dựng các mô hình tuyên truyền, thực hiện phù hợp với đặc thù từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Động viên nữ CNVCLĐ nêu cao tinh thần gương mẫu trong thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện phong trào; định kỳ tổ chức đánh giá sơ kết, nêu gương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào; xây dựng các mô hình, cách làm hay để hiệu quả của các phong trào ngày một nhân rộng.
Bảo Thoa