Từ 1/7, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm bao nhiêu một tháng?
Điều chỉnh lương, thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội năm 2024 Người về hưu ngóng đợi lương hưu tăng 15% từ 1/7/2024 |
Theo dự thảo Nghị định, mức điều chỉnh cụ thể như sau: Vùng I là 4.960.000 đồng/tháng, vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, vùng III là 3.860.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng.
Như vậy, mức lương tối thiểu nêu trên tăng từ 200.000 đồng - 280.000 đồng (tương ứng tỷ lệ bình quân 6%) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm 2024 để cải thiện cho người lao động; dự kiến cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025 (tính trước một phần CPI của năm 2025 vào mức sống tối thiểu để người lao động được hưởng ngay từ giữa năm 2024).
“Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 100% thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này”, Tờ trình của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ.
Điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng để đảm bảo đời sống cho người lao động. Ảnh: Mạnh Quân |
Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: Vùng I là 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.
Mức lương tối thiểu giờ tiếp tục được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động. Đây là phương pháp được các chuyên gia ILO đã khuyến nghị Việt Nam lựa chọn và đã sử dụng khi tính mức lương tối thiểu giờ năm 2022.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định nêu rõ, địa bàn phân vùng, nguyên tắc áp dụng phân vùng cơ bản kế thừa theo danh mục quy định hiện hành, ngoài ra có sự rà soát, cập nhật lại tên một số địa bàn sau khi có sự thay đổi do phải thực hiện sắp xếp lại địa giới hành chính theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những địa bàn có sự thay đổi về hạ tầng, mức độ phát triển thị trường lao động, vùng thu hút đầu tư… theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Cu thể, điều chỉnh từ vùng II lên vùng I đối với: Thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều, thành phố Uông Bí, thành phố Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Điều chỉnh từ vùng III lên vùng II đối với: Thành phố Thái Bình thuộc tỉnh Thái Bình; thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa; thị xã Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa; thành phố Sóc Trăng thuộc tỉnh Sóc Trăng.
Điều chỉnh từ vùng IV lên vùng III đối với: Huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải thuộc tỉnh Thái Bình; các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống thuộc tỉnh Thanh Hóa; huyện Ninh Phước thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Việc điều chỉnh vùng của các địa phương nêu trên nhằm tạo sự cân đối hợp lý về giá nhân công giữa các địa bàn lận cận, do các địa bàn trên có sự phát triển hơn về thị trường lao động, hình thành các khu, cụm công nghiệp, điều kiện cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể, giáp với các địa bàn khác có mức lương tối thiểu cao hơn.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, giá trị thực tế của mức lương tối thiểu tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP bị suy giảm dần theo thời gian do chỉ số giá tiêu dùng tăng (CPI). Với dự kiến CPI năm 2024 tăng 4% - 4,5% thì mức lương tối thiểu nêu trên sẽ không còn đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ vào nửa cuối năm 2024 (thấp hơn khoảng 4%).
Ngày 12/1/2024, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã có báo cáo số 02/BC-HĐTLQG gửi Chính phủ khuyến nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng bình quân 6%, áp dụng từ 1/7/2024.
Đồng thời, từ ngày 1/7/2024, chính sách tiền lương sẽ được triển khai cải cách tổng thể theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tiền lương khu vực công sẽ tăng, theo đó, cần có sự điều chỉnh mức lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp để bảo đảm tương quan chung.
Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, việc xây dựng Nghị định quy định mức lương tối thiểu để áp dụng cho năm 2024 là rất cần thiết, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, tăng tiền lương của người lao động phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp...
Phương Thảo