Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 ổn định thấp hơn mức trung bình hàng năm
CPTPP cú hích để doanh nghiệp Việt đổi mới mô hình theo tiêu chuẩn xanh hóa Phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023” |
Nhận thấy được các vấn đề cũng như tầm quan trọng của thúc đẩy kinh tế xanh của Việt Nam, với vai trò là cơ quan quản lý, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai thực hiện Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2024 với trọng tâm tập trung nghiên cứu về “Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh”.
Báo cáo cho thấy, các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự phục hồi dần dần, mặc dù tăng trưởng vẫn ở mức thấp. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới, Hoa Kỳ dự kiến tăng trưởng 2.5% trong năm 2024, nhưng sẽ chậm lại vào năm 2025 với mức 1.8%. Khu vực đồng Euro dự kiến phục hồi từ mức 0.5% năm 2023 lên 0.7% năm 2024 và 1.5% năm 2025. Nhật Bản được dự báo sẽ chậm lại, với mức tăng trưởng 0.7% năm 2024 và 1% năm 2025.
Các thị trường mới nổi và phát triển dự báo sẽ duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 4.0% trong năm 2024 và 2025. Châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, mặc dù Trung Quốc phải đối mặt với thách thức trong lĩnh vực bất động sản. Các yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng này bao gồm đầu tư công, chi tiêu tiêu dùng trong nước và phục hồi xuất khẩu điện tử và công nghệ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế toàn cầu. Lạm phát cao, áp lực nợ công gia tăng, bất ổn địa chính trị, xu hướng phân mảnh toàn cầu và căng thẳng thương mại leo thang là những thách thức đáng kể. Các biện pháp kích thích kinh tế và cải cách chính sách sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm tới.
Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2024 với trọng tâm tập trung nghiên cứu về “Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh”. |
Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và tái định hình chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19. Việc tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu giúp Việt Nam thu hút đầu tư quốc tế, đặc biệt trong các ngành điện tử và sản xuất, gia tăng vị thế quốc gia. Sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, cùng với các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nền kinh tế phát triển và mới nổi.
Đồng thời, Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển kinh tế số và các ngành công nghệ cao nhờ vào đầu tư vào giáo dục, đào tạo và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Sự phục hồi kinh tế toàn cầu và tăng nhu cầu nhập khẩu cũng tạo điều kiện cho Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là trong các ngành nông sản, thủy sản, dệt may và điện tử.
Các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, VKFTA, và RCEP mở ra nhiều cơ hội để tăng cường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời, không chỉ giúp cải thiện môi trường mà còn tạo ra nhiều việc làm mới và thu hút vốn đầu tư quốc tế. Cuối cùng, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ giúp Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển kinh tế. Cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện môi trường đầu tư và thủ tục hành chính để thu hút hiệu quả các dự án công nghệ cao. Lạm phát cao và lãi suất tăng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, đòi hỏi các biện pháp kiểm soát lạm phát đồng bộ để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Thị trường lao động cũng đối mặt với nhiều thách thức, như tỷ lệ thất nghiệp cao ở phụ nữ và thanh niên, cùng với điều kiện làm việc trong khu vực phi chính thức cần được cải thiện. Việc thích ứng với công nghệ mới còn gặp khó khăn do thiếu kỹ năng và rào cản gia nhập công nghệ, đòi hỏi đầu tư vào giáo dục và đào tạo phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.
Biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai là những thách thức lớn, yêu cầu các biện pháp ứng phó hiệu quả và đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững. Sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài cũng tạo ra nguy cơ giảm khả năng tự chủ, đòi hỏi thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ trong nước. Ngoài ra, áp lực đầu tư lớn cho phát triển năng lượng tái tạo cần được quản lý để không ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Cuối cùng, sự biến động kinh tế toàn cầu, bao gồm áp lực lạm phát và bất ổn địa chính trị, có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đòi hỏi phải quản lý rủi ro một cách cẩn thận.
Theo PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện một số nỗ lực cải cách để vượt qua các rào cản nội tại, tuy nhiên, cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng xanh mới có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Đặc biệt, trước sức ép về năng lượng toàn cầu, chuyển đổi xanh đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trên hành trình hội nhập, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện. Là một trong những quốc gia châu Á có tham vọng lớn nhất tại COP26, chiến lược phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam cam kết giảm 43,5% lượng khí thải vào năm 2030.
Bảo Thoa