Tăng cường hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Để dịch vụ công trực tuyến đến gần với người dân Công an huyện Thường Tín hướng dẫn triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4 trong phòng cháy chữa cháy |
Tại Hội nghị tổng kết thực hiện đợt cao điểm “90 ngày, đêm” triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022 và tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06, Công an thành phố Hà Nội cho biết, tính đến ngày 2/1, toàn thành phố đã thu nhận 4.103.091 hồ sơ cấp định danh điện tử, đạt 66% so với chỉ tiêu (6.220.864 hồ sơ).
Riêng về chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2, tính đến 28/12/2022, Cục C06 - Bộ Công an thông báo toàn Thành phố đã kích hoạt tài khoản định danh mức 1 là 22.381 trường hợp, mức 2 là 598.952 trường hợp (đạt 25,6%).
Công tác làm sạch dữ liệu dân cư cũng được duy trì thường xuyên công tác làm sạch thông tin dân cư trên hệ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đảm bảo thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ có hiệu quả Đề án 06 và quản lý nghiệp vụ.
Trong đó, các danh mục dịch vụ công tiếp nhận hoàn toàn trực tuyến như khai báo tạm vắng, thông báo lưu trú, xác nhận số Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân trực tuyến đạt 100%.
Công an Hà Nội hướng dẫn người dân thực hiện việc đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công và cách thao tác thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. |
Cũng tính đến ngày 2/1, toàn thành phố đã thu nhận được 125.066 hồ sơ cấp Căn cước công dân gắn chíp đối với các trường hợp chưa được cấp, đạt 80% so với số cần phải thu nhận.
Bên cạnh đó, công an quận, huyện, thị xã đã triển khai mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến và mô hình triển khai thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận thông báo lưu trú.
Tại trụ sở tiếp dân của các đơn vị cũng đã bố trí vị trí lắp đặt máy móc, thiết bị để phục vụ việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện việc đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công và cách thao tác thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời, các đơn vị ghi nhận các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến để góp phần hoàn thiện các dịch vụ công theo hướng thân thiện với người dùng. Tại các trụ sở tiếp dân cũng được bố trí cán bộ hướng dẫn người dân cách thao tác trên hệ thống.
Hiện tại, 30/30 công an cấp huyện đã chỉ đạo công an cấp xã phối hợp Ủy ban nhân dân cùng cấp triển khai các điểm hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Cùng với đó, công an cấp xã phối hợp các tổ Đề án 06 cấp thôn, lực lượng Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… phối hợp hướng dẫn công dân thực hiện xác thực và kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Minh Phương