Tai nạn giao thông vì sao vẫn nhức nhối?
Tại chương trình “Người bạn đường” và lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2022 do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, chỉ riêng 11 tháng năm nay, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của gần 6.000 đồng bào.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chia sẻ, ở Việt Nam, mặc dù cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân đã nỗ lực rất nhiều, nhưng mỗi năm vẫn có gần 7.000 người thiệt mạng do tai nạn giao thông. Hơn 11.000 người khác phải mang thương tật suốt đời. Đây là những con số đầy ám ảnh và xót xa.
Hành vi tham gia giao thông không tuân thủ quy định là một trong những nguyên nhân gia tăng tai nạn giao thông. Ảnh: Đinh Luyện |
Tai nạn giao thông nhức nhối và không ai mong muốn nhưng nghịch lý ở chỗ, ở bất kỳ cung đường nào cũng có thể bắt gặp những hành vi vi phạm giao thông. Đó là hình ảnh những con người chen lấn, giành đường, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ hay thậm chí nguy hiểm hơn là va chạm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Khi đường tắc, không chỉ chen lấn dưới lòng đường, nhiều người còn sẵn sàng leo lên vỉa hè thậm chí đi xe ngược chiều trên vỉa hè để cốt sao có thể tới công ty, về nhà… nhanh hơn vài phút.
Nghiêm trọng hơn, dù đã có nhiều cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người “không biết sợ” khi sử dụng rượu bia và tham gia giao thông. Dĩ nhiên, khi đã dùng chất kích thích thì khó điều khiển tay lái, khó làm chủ tốc độ và hệ lụy là gây tai nạn.
Lâu nay, chúng ta vẫn nói về văn hóa giao thông đi cùng với những đợt tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông. Ở khía cạnh pháp lý, các quy định về xử phạt, răn đe cũng được xiết chặt hơn. Chẳng hạn, tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng nếu đi sai làn đường sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng; tước Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng; tước Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng... Thậm chí việc phạt nguội, xử lý vi phạm qua camera giám sát cũng đã được đẩy mạnh. Tuy vậy, lỗi vi phạm vẫn như một vòng xoay lặp đi lặp lại không hồi kết.
Tai nạn giao thông có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc. Ảnh: Đinh Luyện |
Vậy nên, bên cạnh việc tăng cường xử lý vi phạm, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, thì xét cho cùng điều quan trọng hơn hết là phải tạo dựng được ý thức tự giác chấp hành luật giao thông trong người dân. Mà xa hơn nữa, xây dựng thành công văn hóa giao thông.
Tình hình tai nạn giao thông dự kiến sẽ có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong quãng thời gian Tết và mùa lễ hội Xuân ngày một đến gần. Hơn lúc nào hết, các hành vi không tuân thủ Luật Giao thông cần phải được chấn chỉnh.
Bản thân mỗi công dân cần phải có trách nhiệm trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông. Mỗi người tham gia giao thông cần có ý thức chấp hành luật lệ giao thông. Nếu mỗi người có ý thức chấp hành tốt luật lệ giao thông thì cả xã hội sẽ chấp hành tốt và tai nạn giao thông sẽ giảm.