Sắp họp bàn về tăng lương tối thiểu vùng năm 2024
Tại Diễn đàn Người lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn” vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung thông tin, đầu tháng 8, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ họp bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, theo dự kiến ngày 8/8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp với sự tham gia của các bên liên quan gồm đại diện doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), đại diện người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) để xem xét, đánh giá thực trạng, mức độ sản xuất kinh doanh, tình hình sản xuất của doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng, thu nhập của người lao động… như thế nào, trên cơ sở đó sẽ tính toán có điều chỉnh mức lương tối thiểu vào năm 2024 hay không.
“Nếu điều chỉnh thì điều chỉnh như thế nào? Việc này sẽ được đánh giá một cách căn cơ, bài bản sau đó mới có phương án cụ thể trên tinh thần hài hoà, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì mới tạo công ăn, việc làm cho người lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Diễn đàn Người lao động năm 2023. |
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về mức tiền lương tối thiểu vùng trong khu vực sản xuất và cải cách tiền lương trong khu vực công được thực hiện theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động.
Quốc hội đã nhiều lần có nghị quyết về vấn đề này, gần đây nhất là nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã giao cho Chính phủ báo cáo lộ trình cải cách tiền lương bao gồm khu vực công và khu vực tư tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 để xem xét lộ trình, cân đối nguồn lực.
Khi chưa cải cách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ xem xét điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng dựa trên nguyên tắc bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, chỉ số lạm phát…
“Phải giải quyết hài hòa mối quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và người lao động. Bởi tiền lương là thu nhập của người lao động, là chi phí của doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Do đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phối hợp tham mưu để báo cáo, xem xét trình với Chính phủ quyết định, nếu đồng ý sẽ có nghị định ban hành. Ủy ban xã hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ tăng cường công tác giám sát thực hiện chính sách tiền lương.