Săn chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế từ tiểu học
Chứng chỉ ngoại ngữ là quan trọng nhưng cần tránh học tủ Lý do nhiều kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài bị tạm dừng |
Lấy chứng chỉ về… cất tủ
Cho con học tiếng Anh từ nhỏ nên ngay khi con vào tiểu học, nhiều cha mẹ đã quan tâm đến các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và có đợt sẽ đăng ký để con thử sức. Hai loại chứng chỉ quốc tế được nhiều cha mẹ có con học tiểu học lựa chọn là Cambridge và Toefl Primary.
Trẻ em đươc làm quen với tiếng Anh từ rất sớm (Ảnh minh họa) |
Năm nay học lớp 4, Nguyễn Minh Anh, học sinh một trường ngoài công lập tại quận Thanh Xuân đã có đến 4 chứng chỉ Cambrigde gồm: Mover, Flyer, KET và PET.
Theo mẹ của Minh Anh, thấy cô nhắn trên nhóm có các đợt thi chứng chỉ Cambridge là mẹ đăng ký với tâm lý cho con thi để cọ sát và kiểm tra trình độ tiếng Anh của con có tiến bộ hơn không và đang ở đâu để có định hướng, kế hoạch học tập dài hơi. “Mỗi chứng chỉ con đều đạt điểm tuyệt đối, điểm cao nhất ở các kỹ năng. Sau khi lấy chứng chỉ về, gia đình cũng chỉ cất tủ chứ không dùng làm gì cả”- mẹ Minh Anh cho biết.
Mới học lớp 2 nhưng Nguyễn Hà Anh đã có đến 2 chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế của Cambridge là Starter và Mover. “Con được làm quen với tiếng Anh từ sớm nhưng lại chưa va vấp với kỳ thi nào nên mẹ đăng ký cho con thi chủ yếu để kiểm tra kiến thức. Con tham gia một sân chơi nghiêm túc, chuyên nghiệp, kiểm tra 4 kỹ năng thì cũng là dịp để bố mẹ nhìn chính xác khả năng tiếng Anh của con”- chị Vũ Diệu Hoa, mẹ học sinh Hà Anh chia sẻ. Theo chị Diệu Hoa, do xác định thi để biết nên chị không nặng nề chuyện chứng chỉ có dùng vào việc gì không và thực tế, đến giờ chị cũng không nhớ mình để chứng chỉ của con ở chỗ nào, không loại trừ khả năng đã bị thất lạc hoặc bị mất.
Trường hợp của Minh Anh và Hà Anh khá phổ biến trong các trường tiểu học hiện nay; thậm chí, có học sinh mới lớp 3, lớp 4 mà có đến ngót chục chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vì thi hết các trình độ của chứng chỉ Cambrigde, ngoài ra còn tham gia nhiều vòng của kỳ thi Toefl Primary. Các phụ huynh cho hay, việc tham gia thi chứng chỉ giúp họ đánh giá trình độ sử dụng tiếng Anh của con, giúp con nâng cao kỹ năng suy luận, khơi dậy niềm đam mê tiếng Anh. Không những vậy, các chứng chỉ có thể quy đổi theo Khung năng lực 6 bậc áp dụng cho Việt Nam và Khung tham chiếu chung Châu Âu (CEFR).
Không cần thiết thi sớm
Theo nhiều giáo viên có kinh nghiệm dạy tiếng Anh thì việc thi các chứng chỉ với học sinh tiểu học là chưa thật sự cần thiết. Nếu không có mục đích dùng chứng chỉ để làm gì mà chỉ để biết kiến thức con đang ở đâu thì việc bỏ tiền triệu ra cho một lần thi là rất lãng phí.
Có nên cho conthi chứng chỉ ngoại ngữ sớm? (Ảnh minh họa) |
Cô Hoàng Mỹ Linh, giáo viên dạy tiếng Anh lâu năm tại một trung tâm tiếng Anh quận Cầu Giấy chia sẻ: “Nếu là con tôi, tôi không đăng ký cho con thi chứng chỉ; nhưng với các phụ huynh, tôi khuyên không nên thi lại rất khó vì đó là tiền họ, quyền họ, họ muốn kiểm tra trình độ của con thì họ cho con thi. Tôi thừa nhận việc bỏ tiền triệu cho một lần kiểm tra kiến thức tiếng Anh của học sinh cấp độ tiểu học thông qua hình thức thi chứng chỉ đang là xu hướng hiện nay”.
Nhiều phụ huynh hay hỏi nhau: Con có chứng chỉ này chưa? Thi được bao nhiêu khiên? Bao nhiêu điểm?... Những câu hỏi như vậy vô hình trung gây nên áp lực cho cả học sinh và phụ huynh. Đăng ký thi chứng chỉ để con tập rượt và năm sau điểm thi cao hơn năm trước cũng là hiện tượng khá phổ biến đưa phụ huynh, học sinh vào guồng thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Để con đạt kết quả cao hơn, không ít phụ huynh bỏ tiền ra cho con đi học các khóa luyện thi hoặc mua rất nhiều sách có chủ đề ôn luyện để con cày.
Tuy nhiên, cũng có một số phụ huynh đặt mục tiêu, mục đích rõ ràng của việc thi chứng chỉ ngoại ngữ. Anh Nguyễn Trung Dũng, trú tại quận Thanh Xuân cho hay: “Con tôi có định hướng thi cấp 2 trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành nên tôi cho cháu tham dự kỳ thi Toefl Primary, nếu được từ 228 điểm trở lên sẽ được cộng từ 2-4 điểm ưu tiên. Đây là chính sách thường xuyên của trường Nguyễn Tất Thành và chứng chỉ ngoại ngữ thì có thời hạn nên tôi thường căn lúc con học lớp 4 hoặc lớp 5 sẽ cho thi bởi nếu thi sớm thì dù điểm cao, chứng chỉ cũng không còn giá trị”.
Ngoài trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành xét cộng điểm ưu tiên với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ còn hạn, một số trường học hệ tiếng Anh Cambridge như: Vinschool, Nguyễn Siêu, Ban Mai… cũng có cơ chế xét ưu tiên với học sinh có chứng chỉ Cambridge đáp ứng cấp độ và còn hạn.
Không dừng ở việc tham gia thi các chứng chỉ ngoại ngữ Cambridge hoặc Toefl dành cho lứa tuổi tiểu học, học sinh học cấp 1 hiện còn được phụ huynh đăng ký cho các khoá học định hướng thi IELTS với 4 kỹ năng (nghe- nói- đọc- viết) để phục vụ mục đích thi IELTS ở giai đoạn tiếp sau.
Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không quy định độ tuổi thi mà đối tượng hướng đến là “người có nhu cầu”; vì vậy, các chứng chỉ quốc tế, trong đó có Ielts đang trẻ hóa đối tượng dự thi. Các chuyên gia cho rằng, phụ huynh không nên đặt nặng vấn đề sở hữu chứng chỉ quốc tế hoặc cho con đi thi để lấy chứng chỉ sớm bởi hầu hết các chứng chỉ này đều có hạn 2 năm. Kiến thức là quan trọng nhất. Khi có kiến thức chắc chắn thì tùy vào mục đích và thời gian sử dụng để lựa chọn và thi loại chứng chỉ phù hợp; việc này sẽ tránh được lãng phí cho bố mẹ cũng như loại bỏ áp lực không cần thiết cho trẻ.
Theo Nam Du/kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/san-chung-chi-ngoai-ngu-quoc-te-tu-tieu-hoc.html