Sách giả, sách lậu - Kỳ 2: Các nhà xuất bản loay hoay giữa "cuộc chiến"
Đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành
Trong nhiều năm nay, các nhà xuất bản đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng sách lậu, sách giả nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Thậm chí, nhiều nhà xuất bản cũng đã tiến hành giảm giá thành xuất bản phẩm để cạnh tranh với sách giả sách lậu. Một số nhà xuất bản đã áp dụng công nghệ vào việc in ấn, sản xuất nhưng chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, ông Trần Minh Thành – Giám đốc Nhà sách Minh Thắng cho hay, hiện nay, trong "cuộc chiến" với sách giả, sách lậu ngoài vai trò của nhà xuất bản thì cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng nhà nước và người đọc là vô cùng lớn.
Ông Thành chia sẻ: “Đơn vị còn phải cử cán bộ thường xuyên theo dõi trên các gian hàng thương mại, các trang mạng xã hội để phát hiện có đơn vị nào buôn bán, sản xuất sách lậu các xuất bản phẩm của công ty hay không. Nếu phát hiện sẽ trình báo với cơ quan chức năng để tiến hành xử lý vi phạm. Tuy nhiên, để phát hiện được hết thì quá khó.”
Đơn vị xuất bản và tác giả là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi sách giả, sách lậu |
Tương tự, bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cũng cho biết: “Trước đây Nhà xuất bản cũng có cán bộ chuyên trách để giám sát, tuy nhiên, sau đại dịch covid, cùng với tình hình kinh tế khó khăn, đơn vị cũng không có kinh phí để thực hiện việc này.”
Đối với biện pháp giải quyết vấn nạn sách giả, sách lậu, bà Phượng cho biết hiện nay gần như các nhà xuất bản chưa tìm được biện pháp hiệu quả. Việc áp dụng công nghệ như QR code, tem chống hàng giả hiện nay cũng không thực sự mang lại hiệu quả.
Theo bà Phượng, để có phương pháp hiệu quả nhất thì cần phải có sự chung tay, phối hợp của nhiều đơn vị, cơ quan chức năng. Trong đó chủ đạo là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Đội Quản lý thị trường... và một số cơ quan chức năng khác. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng rất quan trọng. Ngoài việc tập trung vào tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cần có các biện pháp hỗ trợ sâu về các nghiệp vụ khác trong phòng, chống in lậu. Các cơ quan chức năng cần phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi địa bàn, qua đó sớm phát hiện các cơ sở hoạt động bất hợp pháp và từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.
Đặc biệt, việc mua bán sách qua các trang mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử cũng cần phải được siết chặt. Người đọc đặt mua sách qua mạng gần như không thể biết được quyển sách mình sẽ được giao là thật hay giả. Do vậy, vai trò của các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử trong việc không không tiếp tay cho hành vi phát hành sách giả cũng hết sức quan trọng.
Trông cậy vào người đọc
Thực tế thời gian gần đây, nhiều người có thói quen mua sắm online lại chỉ nhắm đến giá thành không quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc sách đang vô tình tiếp tay cho vấn nạn sách giả, sách lậu.
Nắm bắt được xu thế này, người kinh doanh sách giả, sách lậu luôn quảng cáo nhắm vào ưu đãi chiết khấu, giá thành rẻ hơn nhiều lần so với sách thật để giành lấy khác hàng.
Trong khi đó, một bộ phận độc giả vẫn tỏ ra khá thờ ơ về nguồn gốc sách, thậm chí khi đã mua phải sách giả những vẫn sử dụng mà không có khiếu nại hay tố cáo tới cơ quan chức năng, sàn thương mại điện tử hoặc đơn vị quản lý trang mạng xã hội.
Để loại bỏ sách giả, sách lậu thì vai trò của người đọc rất quan trọng |
Lý do có thể hiểu được vấn đề này là vì những cuốn sách lậu vẫn đáp ứng được nhu cầu cuối cùng của người tiêu dùng là đọc.
Tuy nhiên, việc sử dụng sách giả, sách lậu sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy mà người đọc khó có thể lường trước. Ví dụ như, nội dung sách bị sai dẫn đến kiến thức lệch lạc, từ đó người sử dụng cũng sẽ có những hiểu biết sai lệch, ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận tri thức. Người sử dụng thường xuyên đọc những cuốn sách giả với chất lượng giấy, mực in kém trong thời gian dài còn gây ảnh hưởng đến thị giác của những người đọc.
Ngoài ra, sách điện tử lậu và các bản Word, PDF lậu có thể chứa mã độc, phần mềm độc hại hoặc các tệp tin nguy hiểm khác. Việc tải về và mở các tài liệu không đáng tin cậy có thể gây nguy hiểm cho an ninh thông tin của người dùng.
Bên cạnh đó cũng tiềm ẩn rủi ro pháp lý, người mua, sở hữu hoặc phân phối sách lậu, sách giả có thể vi phạm pháp luật về bản quyền và tác quyền. Các nhà xuất bản và tác giả có quyền bảo vệ tác phẩm của mình và có thể kiện các cá nhân hoặc tổ chức liên quan đến việc sao chép và phân phối sách lậu.
Có thể nói, chừng nào còn nhu cầu mua sách giả, sách lậu thì vấn nạn này vẫn có khả năng tồn tại trong xã hội dù ít hay nhiều.
Do vậy, để giải quyết sách giả, sách lậu triệt để thì cần tập trung các biện pháp hướng vào người đọc. Độc giả nếu không mua sách giả, sách lậu thì sẽ không còn in lậu. Chúng ta có thể thấy việc xử dụng pháp lý mới chỉ tiếp cận xử lý kênh phân phối sách giả, sách lậu chứ chưa phải giải pháp tổng thể hướng tới độc giả.
(còn tiếp)