Quy định giá trần với sách giáo khoa và vận tải hành khách hàng không nội địa
Nhận diện sách giáo dục và đồ chơi an toàn cho trẻ em Đề nghị địa phương thực hiện nghiêm quy định về lựa chọn sách giáo khoa mới Định giá sách giáo khoa như thế nào? |
Chiều ngày 19/6, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, 92,91% đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi).
Điện thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới nhằm khắc phục một số hạn chế bất cập của luật hiện hành. Trong đó, về ý kiến đề nghị đưa mặt hàng “điện” vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, theo Luật Điện lực, việc xem xét định giá, điều chỉnh giá điện phải trên cơ sở các yếu tố chi phí.
Đồng thời phải xem xét đánh giá về mức độ điều chỉnh, thời gian điều chỉnh, bối cảnh điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ nhằm đảm bảo đời sống người dân, tạo động lực cho sản xuất phát triển.
Như vậy, khi thực hiện biện pháp định giá, Nhà nước đã tính đến mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên, trong đó đã có cả mục tiêu ổn định giá cả phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội. Trên cơ sở đó, tại Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình thông qua tiếp tục kế thừa Luật hiện hành quy định mặt hàng điện thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và không quy định tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo. Ảnh: QH |
Liên quan đến đề nghị nghiên cứu giao cơ quan Nhà nước quản lý thống nhất đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu thay vì giao doanh nghiệp quản lý, UBTVQH cho rằng, việc quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang được thực hiện theo biện pháp kết hợp giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Cơ quan Nhà nước quản lý về số liệu, gồm số dư Quỹ, số lượng xăng dầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu quản lý; còn việc bảo quản, sử dụng thực tế do các doanh nghiệp chủ động thực hiện và việc trích lập được thực hiện trên cơ sở ý kiến của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu để thực hiện biện pháp bình ổn giá xăng dầu phù hợp với khả năng của Nhà nước và tình hình thực tế, bảo đảm công khai, minh bạch.
Quy định giá trần đối với dịch vụ hàng không
Đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, UBTVQH nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường hàng không còn mang tính cạnh tranh hạn chế, việc thúc đẩy các loại hình vận tải phát triển đồng bộ, hiện đại còn phải phấn đấu, đặc biệt là khi đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao chưa được triển khai, vận hành thì trước mắt, Nhà nước vẫn cần công cụ quản lý giá dịch vụ hàng không nội địa để góp phần ổn định thị trường.
Về lâu dài khi các loại hình giao thông phát triển đồng bộ, nhiều lựa chọn cho người dân, sẽ tính toán quy định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa cho phù hợp. Trên thực tế điều hành, tùy tình hình kinh tế - xã hội từng thời điểm, Chính phủ sẽ quyết định mức giá trần phù hợp, tại thời điểm hiện nay, UBTVQH xin Quốc hội cho phép chỉ quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.
Các đại biểu bấm nút biểu quyết. Ảnh: QH |
Về giá sách giáo khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, tiếp thu ý kiến đa số đại biểu, ngay sau Kỳ họp thứ 4, UBTVQH đã chỉ đạo tiếp thu, theo đó Dự thảo Luật được trình thông qua đã quy định giá trần, không quy định giá sàn đối với sách giáo khoa.
Hiện nay, trong phương pháp tính giá sách giáo khoa, các nhà xuất bản cộng cả chi phí phát hành sách, mức chiết khấu rất cao (mức chiết khấu trong phát hành sách giáo khoa phục vụ năm học 2020-2021 và 2021-2022 là 29% giá bìa; năm học 2022-2023, mức chiết khấu đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35% giá bìa) dẫn đến đẩy giá sách lên cao so với thu nhập của nhiều người dân. Vì vậy, cần thiết phải có công cụ kiểm soát để bảo đảm không tác động tiêu cực người dân.
Theo UBTVQH, việc không quy định giá sàn là hợp lý vì đây là mặt hàng có tính đặc thù, đối tượng tiêu dùng mang tính bắt buộc, trong đó có cả đối tượng yếu thế. Nếu quy định giá sàn, các đơn vị phát hành sách không thể bán cho người dân với giá thấp hơn giá sàn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nhất là người có thu nhập thấp…
Luật Giá (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý được Quốc hội thông qua gồm 8 Chương, 75 Điều, quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; Hoạt động quản lý, điều tiết giá của nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cơ sở dữ liệu về giá; Thẩm định giá; Thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá…