Cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Hùng bị đề nghị từ 9 - 10 năm tù
Sách giả, sách lậu - Kỳ cuối: Cần có chế tài thật mạnh Xét xử ông Trần Hùng và 35 bị cáo trong vụ sản xuất, mua bán sách giáo khoa giả ở Hà Nội Sách giả, sách lậu - Kỳ 1: "Bùng nổ" giữa thời đại số |
Theo đại diện Viện Kiểm sát, trong vụ án này, với phương thức thực hiện hành vi sản xuất sách giáo khoa được chia thành các công đoạn từ mua vật tư in, làm phôi in, đặt in, gia công sách, mua tem giả, đến khâu bán, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm, mỗi bị cáo ở một khâu khác nhau đã thực hiện hành vi giúp Cao Thị Minh Thuận sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả với số lượng hàng triệu cuốn sách.
Để xảy ra vụ án này, ngoài trách nhiệm chính thuộc về bị cáo Cao Thị Minh Thuận và các đồng phạm bị khởi tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, còn có trách nhiệm của một số cán bộ trong lực lượng tuyến đầu đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại và hàng giả thuộc Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội), Tổ Công tác về quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) đã vì động cơ cá nhân hoặc vụ lợi thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến sân chơi lành mạnh của các doanh nghiệp, sự phát triển của nền kinh tế, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng quản lý thị trường.
Cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Hùng bị đề nghị từ 9 - 10 năm tù. (Ảnh: P.D) |
Căn cứ vào lời khai của các bị cáo, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Viện Kiểm sát khẳng định có đủ căn cứ kết luận, ngày 10/7/2020, sau khi bị lực lượng chức năng phát hiện kho sách giả, bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) đã liên hệ với bị cáo Trần Hùng, khi đó là Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường nhờ bỏ qua vụ việc.
Ngày 14/7, bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do, được bị cáo Thuận nhờ đưa số tiền hối lộ 300 triệu đồng cho bị cáo Trần Hùng) đã cầm tiền đến phòng làm việc của bị cáo Trần Hùng với mục đích xin bỏ qua vụ việc.
Khoảng 11h30 ngày 14/7, bị cáo Hải cầm túi nilon đựng số tiền 300 triệu đồng đến phòng làm việc đưa cho bị cáo Trần Hùng. Tại đây, bị cáo Hải gọi điện cho bị cáo Thuận thông tin mình đang ở phòng làm việc của bị cáo Trần Hùng.
Sau đó, bị cáo Trần Hùng gọi điện nói với bị cáo Lê Việt Phương, khi đó là Phó Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 17 nói tạo điều kiện giúp đỡ Thuận theo hướng xử lý hành chính.
Quá trình điều tra, Trần Hùng phủ nhận việc cáo buộc của cơ quan chức năng. Song, Viện Kiểm sát xác định căn cứ kết quả thực nghiệm, nội dung dữ liệu trích xuất từ điện thoại đã "đủ cơ sở chứng minh bị cáo Hùng đã nhận 300 triệu đồng" của bị cáo Thuận, thông qua Hải.
Ngoài hành vi trên, Viện Kiểm sát xác định, Thuận còn nhiều lần đưa tiền cho Lê Việt Phương và Đội Quản lý thị trường 17 với tổng số tiền 330 triệu đồng sau khi sự việc ở Công ty Phú Hưng Phát chỉ bị xử phạt hành chính.
Sau khi phân tích, đánh giá hành vi của từng bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Hùng mức án từ 9 - 10 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
Ba cựu cán bộ Đội Quản lý thị trường 17 bị xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" gồm: Lê Việt Phương (Đội phó) bị đề nghị từ 30 - 36 tháng tù, Phạm Ngọc Hải 24 - 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Thành Thị Đông Phương 18 - 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Nhóm bị cáo "Sản xuất, buôn bán hàng giả", trong đó Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) bị đề nghị từ 11 - 12 năm tù; 31 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 2 năm tù đến 8 năm tù, nhưng cho hưởng án treo.
Nguyễn Duy Hải (lao động tự do), bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị 1 năm 11 tháng tù về tội "Môi giới hối lộ". Mức án đề nghị của Hải trùng với thời gian đã tạm giam nên Viện Kiểm sát đề nghị trả tự do tại Tòa.