Quyền lợi của người lao động trên địa bàn huyện Gia Lâm luôn được đảm bảo
Kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng của NLĐ
Báo cáo của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Gia Lâm cho biết, tới thời điểm hiện nay, địa bàn huyện Gia Lâm có trên 3.800 doanh nghiệp, với trên 36.400 lao động, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt trên 70%. Chất lượng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) ngày càng được nâng lên, số lao động có trình độ chuyên môn được đào tạo cơ bản ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực kinh tế ngày càng tăng.
Cũng theo LĐLĐ huyện Gia Lâm, điều kiện làm việc, thu nhập, nhà ở, đời sống của NLĐ luôn được các cấp, các ngành của Thành phố, huyện và tổ chức Công đoàn huyện Gia Lâm quan tâm. Do vậy, mặc dù 1/2 nhiệm kỳ phải đối mặt với khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng bên cạnh việc phòng chống dịch, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã nỗ lực khắc phục khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm cho NLĐ. Thu nhập bình quân của NLĐ trên địa bàn huyện đạt 6,25 triệu đồng/tháng. Tình hình quan hệ lao động cơ bản ổn định, số vụ tranh chấp lao động ít, không xảy ra các vụ đình công, ngừng việc tập thể.
LĐLĐ huyện Gia Lâm phối hợp với UBND huyện tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với CNVCLĐ trên địa bàn. Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu vui, tình trạng nợ lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn còn diễn ra tại một số doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội huyện Gia Lâm, đến nay, có 607 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ từ 1 tháng trở lên, với số tiền nợ trên 15 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 5.683 NLĐ và tiềm ẩn những yếu tố bất ổn trong quan hệ lao động.
Trước tình hình này, LĐLĐ huyện Gia Lâm đã tập trung làm tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, duy trì mối quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Các hoạt động được triển khai đi vào chiều sâu, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả.
Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp Công đoàn huyện đã tổ chức 15 hội nghị, hội thảo cho đoàn viên, NLĐ nghiên cứu tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật có liên quan trực tiếp đến đoàn viên, NLĐ. Hàng năm, LĐLĐ huyện phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) huyện chỉ đạo và hướng dẫn Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức tốt Hội nghị Cán bộ công chức, viên chức, Hội nghị NLĐ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đồng thời phối hợp tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với CNVCLĐ.
Kết quả, hàng năm, 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức Hội nghị Cán bộ, công chức, viên chức; 86% doanh nghiệp tổ chức Hội nghị NLĐ. Có 85% đơn vị, doanh nghiệp xây dựng được Quy dân chủ ở cơ sở; 98% đơn vị bầu Ban Thanh tra nhân dân, qua đó đã phát huy dân chủ và kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, NLĐ.
Trong nhiệm kỳ, LĐLĐ huyện đã phối hợp với UBND huyện tổ chức 4 hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn đã có 84 ý kiến bằng văn bản, 35 ý kiến, kiến nghị trực tiếp về các chế độ, chính sách cho NLĐ, về nhà ở, trường học, khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường... Các Công đoàn cơ sở đã phối hợp với chính quyền, chuyên môn tổ chức 386 hội nghị đối thoại tại cơ sở, qua đó kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng của NLĐ.
Bảo đảm quyền lợi cho NLĐ
Thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT)”, Đề án thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT giai đoạn 2021 - 2022” của LĐLĐ Thành phố, LĐLĐ huyện đã triển khai, hướng dẫn Công đoàn cơ sở thực hiện thương lượng, ký TƯLĐTT và đăng ký nội quy lao động, thực hiện lương tối thiểu vùng. Tính đến ngày 31/12/2022, trên địa bàn huyện có 115/130 doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở đã ký TƯLĐTT (đạt 88,4%); chất lượng TƯLĐTT loại A và B chiếm 76%.
Cũng trong nhiệm kỳ qua, công tác phối hợp kiểm tra giám sát việc thực hiện Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội được LĐLĐ huyện quan tâm thông qua việc ký Quy chế phối hợp công tác liên ngành, gồm: Công an - LĐLĐ - Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội - Thanh tra - Chi cục Thuế - Bảo hiểm xã hội huyện về thực hiện các giải pháp, biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của NLĐ trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021 - 2025.
Với những hoạt động thiết thực của tổ chức Công đoàn, quyền lợi của NLĐ trên địa bàn huyện Gia Lâm luôn được đảm bảo. Ảnh minh họa. |
Theo đó, LĐLĐ huyện đã phối hợp thanh tra, kiểm tra tại 107 doanh nghiệp và chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn cơ sở thực hiện tốt chức năng tham gia kiểm tra, giám sát tại cơ sở; qua đó, đã có 86 kiến nghị với doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với NLĐ. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát chủ doanh nghiệp, thủ trưởng đơn vị đã thực hiện nghiêm túc Bộ luật Lao động và các chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, các cấp Công đoàn huyện còn đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật và thực hiện chức năng khởi kiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ. LĐLĐ huyện đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội huyện thực hiện hòa giải thành 3 tranh chấp giữa NLĐ và người sử dụng lao động. LĐLĐ huyện đã thực hiện thủ tục thông báo khởi kiện 1 doanh nghiệp nợ kinh phí Công đoàn tuy nhiên doanh nghiệp xin được hòa giải và tự nguyện trích nộp 140 triệu đồng kinh phí Công đoàn.
Phát huy kết quả đã đạt được, Đại hội Công đoàn huyện Gia Lâm lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 vừa được tổ chức mới đây đã biểu quyết thông qua: Nâng cao vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của tổ chức Công đoàn huyện Gia Lâm.
Một số chỉ tiêu mà các cấp Công đoàn huyện sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ mới là phấn đấu: Hàng năm, 100% cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức Hội nghị Cán bộ, công chức, viên chức, 85% trở lên các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có tổ chức Công đoàn tổ chức Hội nghị NLĐ và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; phấn đấu có 90% doanh nghiệp có thương lượng, ký kết TƯLĐTT; trong đó có 38% bản TƯLĐTT đạt loại A; hàng năm LĐLĐ huyện phối hợp với các phòng, ban có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra từ 20 - 25 đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động về thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động...