Quy hoạch Thủ đô: Kiểm soát việc phát triển không gian đô thị và nông thôn
5 vùng đô thị trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030 HĐND Thành phố thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã xem video clip về Quy hoạch Thủ đô và thảo luận về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô).
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn tỉnh Thái Bình) đánh giá rất cao Ban soạn thảo đã có một sự tưởng tượng rất lớn để tư duy về Quy hoạch Thủ đô đến năm 2065.
Theo đại biểu, ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1259 về nhiệm vụ Quy hoạch thành phố Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050, vì vậy, ông rất mong muốn trong video clip và trong bản thuyết trình phải thống kê lại từ năm 2011 đến bây giờ chúng ta đã làm được gì trong quy hoạch đó và còn 6 năm nữa thì có kết thúc được không?
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn tỉnh Thái Bình). (Ảnh: Quốc hội) |
Đó là một dữ liệu để trên cơ sở đó mới nghĩ đến tầm nhìn đến 2065, nếu trong thời kỳ này chúng ta đạt chỉ tiêu quá thấp thì tầm nhìn đến 2065 có ý nghĩa hay không, cần phải tổng kết.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Văn Thân băn khoăn tại sao nhiệm vụ đến năm 2050 đến bây giờ trong điều chỉnh quy hoạch lại rút xuống 5 năm chỉ còn đến 2045, cần thuyết trình để các đại biểu Quốc hội hiểu.
Tầm nhìn quy hoạch đến năm 2065 là bằng thủ đô của các nước tiên tiến trên thế giới, nhưng đại biểu băn khoăn bằng các thủ đô trên thế giới bây giờ hay đến tầm đó bằng người ta? Đến 2065 chúng ta bằng các nước tại thời điểm đó hay là bằng họ bây giờ, việc này trong quy hoạch cũng phải nêu rõ.
Đại biểu đoàn Thái Bình cũng cho biết, trong phần 5 của nội dung về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô là áp dụng mô hình thành phố trong Thủ đô, nhưng ông có ý kiến ngược lại, muốn Thủ đô trong thành phố Hà Nội, Thủ đô Hà Nội trong thành phố Hà Nội.
“Nên chăng các quận nội thành là Thủ đô Hà Nội, còn Hà Nội là thành phố Hà Nội, gồm tất cả, kể cả Thủ đô Hà Nội và các các khu vực khác. Bởi vì, như vậy Nhà nước mới có nguồn lực để tập trung vào Thủ đô, 64 tỉnh thành mới có khả năng để vì Hà Nội”, đại biểu nói.
Vì Hà Nội bây giờ là 12 triệu dân, đến năm 2030 khoảng 17, 18 triệu dân. Đồng thời, Hà Nội rất nhiều ưu thế để phát triển hơn các tỉnh khác, nhưng Thủ đô Hà Nội sẽ được 64 tỉnh, thành sẵn sàng đóng góp cho Thủ đô. Theo đại biểu, việc này nhiều nước cũng đã làm.
Do đó, Thủ đô Hà Nội phải là trung tâm chính trị, văn hóa chứ không thể là trung tâm chính trị, kinh tế. “Nếu chúng ta tư duy như thế chúng ta sẽ phát triển Thủ đô Hà Nội nằm trong thành phố Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa”, lời đại biểu.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng nhìn nhận, Hà Nội vừa rồi làm rất tốt, đầu tư kinh phí ra để làm những khu vực di tích hơn 1.000 tỷ đồng và cần thiết phải làm nữa. Chúng ta không thể để nhà cao tầng ở nội đô, 36 phố phường phải là 36 phố phường, đường phố bé như thế vẫn cứ để như thế, chỉ chỉnh trang lại, đầu tư kinh phí vào đó.
“Tôi rất mong muốn Quốc hội, Đảng và Nhà nước nên nghiên cứu quan điểm của tôi là Thủ đô Hà Nội nằm trong thành phố Hà Nội, thành phố Hà Nội vì Thủ đô Hà Nội, còn lại các tỉnh, thành cũng vì Thủ đô Hà Nội”, đại biểu nói.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. (Ảnh: Quốc hội) |
Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng: Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt qua nhiều thời kỳ và lần này xác định giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn là tới năm 2045 và có tầm nhìn đến năm 2065 với các cơ sở kinh tế - xã hội, pháp lý, chính trị đầy đủ.
Với tầm nhìn quy hoạch đến năm 2065, thành phố Hà Nội là thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại và trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước và có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô lập cùng với Quy hoạch Thủ đô, do đó tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và cũng phù hợp với các quy hoạch cấp trên theo hệ thống quy hoạch thực hiện theo Luật Quy hoạch năm 2017.
Cũng theo Bộ trưởng, Đồ án lần này được điều chỉnh gắn với các chiến lược phát triển như hợp tác liên kết, phát triển văn hóa di sản, phát triển xanh, xác lập môi trường đáng sống, đô thị thông minh và bền vững cũng như xác lập các cơ chế năng động và đặc thù cho Thủ đô.
Một trong các điểm mới của Đồ án lần này là từ thực tế phát triển và qua rà soát, đánh giá chúng ta điều chỉnh dự báo phát triển cho Thủ đô để phù hợp với quy hoạch Thủ đô.
Trong Đồ án lần này đặt vấn đề kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn, xây dựng hình thái quy hoạch kiến trúc đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội tại khu vực đô thị, nông thôn cũng như phải kiểm soát chặt chẽ quy hoạch về chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực, đặc biệt là khu vực nội đô...