Quy định rõ trách nhiệm trong chậm thanh toán chế độ, chi phí phòng, chống dịch Covid-19
Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm các ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ Phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí |
Tăng cường công tác phân tích, dự báo, phòng, chống các dịch bệnh
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) thống nhất hoàn toàn tất cả các kiến nghị của Chính phủ gửi tới Quốc hội. Đồng thời, ngoài kiến nghị cho phép thực hiện chuyển tiếp một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 30 Quốc hội khóa XV về các hoạt động phòng, chống dịch của cơ sở y tế và chế độ, chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Về việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch Covid-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19, đại biểu đề nghị ghi chú thêm trong dự thảo Nghị quyết là các thủ tục phải hết sức đơn giản, rút gọn, bởi vì lúc bấy giờ giống như đang có chiến tranh, tình hình hết sức khẩn cấp, nếu yêu cầu các thủ tục hành chính như bình thường thì các đơn vị y tế cũng không thể nào mà quyết toán được.
“Khi các lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch, họ không cần biết sẽ được hưởng bao nhiêu tiền, lúc đó chỉ lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết, nhưng lại cứ căn cứ vào thủ tục chậm thanh toán, gây tổn thương đến tinh thần của lực lượng tuyến đầu”, đại biểu nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh). (Ảnh: Quốc hội) |
Đại biểu cũng đề nghị nên áp dụng thêm cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đối với việc mua sắm vật tư y tế, đầu tư cơ sở, trang thiết bị, hóa chất. Bởi vì Luật Khám bệnh, chữa bệnh nếu được thông qua lần này cũng chưa thể đi vào cuộc sống. Dịch bệnh hiện nay vẫn còn đang diễn biến, có thêm những biến thể mới, có thể gây đến những khó khăn cho chúng ta.
“Tôi đề nghị chúng ta phải tăng thêm chi phí cho ngành y tế để tăng cường công tác phân tích, dự báo, phòng, chống các dịch bệnh, đặc biệt là các biến chủng mới như là bài học trong biến chủng Delta vừa qua”, đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh nói.
Nghiên cứu về các bệnh liên quan đến hậu Covid-19
Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) cũng đồng tình với việc Chính phủ trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19 tại Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng). (Ảnh: Quốc hội) |
Để tiếp tục duy trì vững chắc thành quả trong phòng, chống dịch Covid-19 và dự phòng nguy cơ dịch chồng dịch diễn biến hết sức phức tạp, đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét tạo cơ chế để khuyến nghị các chuyên gia ngành y theo dõi, hợp tác với các chuyên gia quốc tế nghiên cứu hoàn chỉnh mang tính quy mô về hậu Covid-19 và các ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, mức độ, thời gian của triệu chứng hậu Covid-19.
Từ đó, công bố chính thức về các bệnh liên quan đến hậu Covid-19, làm cơ sở để Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ trong công tác khám, chữa bệnh và điều trị các bệnh về hậu Covid-19. Sau khi có kết quả nghiên cứu, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để làm tốt công tác truyền thông, xem đây là kênh chính thống công bố chính thức về các bệnh liên quan đến hậu Covid-19.
Đề nghị nghiên cứu sản xuất vắc xin
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho hay, ông rất vui vì vấn đề liên quan đến chưa thanh toán chế độ và chi phí cho việc chống dịch Covid-19 đã được đưa vào trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
Nói về lý do chậm trễ, đại biểu phân tích: “Quốc hội thì đã cho, Chính phủ thì không phải thiếu tiền, thiếu kinh phí, nhưng vì sao? Tôi nhận thấy có 3 lý do là vì thiếu tinh thần trách nhiệm và vì chưa rõ cần làm như thế nào, đặc biệt bị mất phương hướng sau khi có một loạt những sai phạm xảy ra.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội). (Ảnh: Quốc hội) |
Một điều nữa là những người có trách nhiệm liên quan thì lại rất sợ sai, vì vậy sau khi có nghị quyết này, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc này thật quyết liệt, cần phải làm ngay nhưng chỉ cho họ cách làm, cụ thể cơ quan, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. “Xin đề nghị những cá nhân, những cơ quan có liên quan tập trung làm cho xong việc đó, đừng để tồn đọng nữa, mất lòng tin của nhân dân”, đại biểu nói.
Đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho rằng, trong phòng, chống Covid-19, ngoại giao vắc xin chúng ta đã thành công. Nhưng có một việc cần phải hết sức rút kinh nghiệm trong sản xuất vắc xin. Vừa qua Việt Nam không có vắc xin riêng của đất nước mình, đây là một điều rất đáng suy nghĩ.
Với tư cách một người làm chuyên môn, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng: “Mình đã đi sai đường. Chúng ta đặt gánh nặng phải sản xuất ra vắc xin ở trên vai của những công ty tư nhân, công ty tư nhân tốt, công ty tư nhân nhiều tiền nhưng về trí tuệ, về kiến thức, về khoa học thì chưa đầy đủ. Các đơn vị sản xuất vắc xin ở Việt Nam ít nhất cũng có 15 năm, có những đơn vị đến 40 năm kinh nghiệm, tại sao không tập trung đội ngũ các nhà khoa học liên quan đến sản xuất vắc xin, với những kinh nghiệm đó tiếp thu cho hết những kiến thức của thế giới để làm vắc xin”.
Theo đại biểu, chúng ta không đi từ A đến Z, tức là từ những việc thấp nhất, rồi sau đó đưa ra thử nghiệm, mà có thể mời chuyên gia quốc tế hoặc mua hẳn một công nghệ, tổ chức nhà máy sản xuất để kịp thời có ngay.
“Đây là một bài học rất lớn chúng ta cần phải rút kinh nghiệm. Tôi xin đề nghị Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo để sớm tổ chức một hệ thống sản xuất vắc xin một cách bài bản, quy củ, đúng cách để phục vụ đất nước, phòng có những đợt dịch khác. Tôi tin rồi đây sẽ có những đợt dịch virus khác tương tự như thế này sẽ xảy ra, lúc ấy mình sẽ chủ động”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.