Nâng cao kỹ năng tuyên truyền chính sách, pháp luật cho phóng viên, biên tập viên
Đổi mới tuyên truyền để nhận thức đúng đắn, đầy đủ về các hành vi xâm hại trẻ em Sáng tạo hình thức phổ biến giáo dục pháp luật từ cơ sở Quận Cầu Giấy truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chính phủ ban hành Quyết định số 90/2022/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Triển khai các văn bản của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch Tập huấn nâng cao nâng kỹ năng tuyên truyền về chính sách pháp luật cho công chức, viên chức các Sở Thông tin và Truyền thông, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài về triển khai Đề án 6 là 1 tiểu dự án trong Dự án giảm nghèo thuộc chương trình quốc gia giai đoạn 2021-2025. Theo chương trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai dự án giảm nghèo về thông tin, nhằm rút ngắn khoảng cách tiếp cận thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Tại hội nghị, ông Phạm Chí Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Ủy ban Dân tộc đã giới thiệu về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc trong tình hình mới như: Đặc điểm các dân tộc thiểu số Việt Nam; hệ thống pháp luật liên quan đến dân tộc và công tác dân tộc; một số bài học kinh nghiệm trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong tình hình mới; mhiệm vụ công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030...
Toàn cảnh hội nghị. |
Ông Trung cho hay, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bao gồm 3.434 xã thuộc 51 tỉnh; được phân định theo trình độ phát triển, trong đó có 1.551 xã thuộc khu vực III (khu vực đặc biệt khó khăn), 210 xã thuộc khu vực II (khu vực còn khó khăn) và 1.673 xã thuộc khu vực I (khu vực bước đầu phát triển).
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, hiểm trở, chia cắt; chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, đời sống vật chất và tinh thần còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước...
Theo ông Trung, một trong các giải pháp để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là tăng cường công tác thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, minh bạch; cải tiến, đổi mới chế độ báo cáo phục vụ điều hành, quản lý.
Trong đó, đổi mới cách thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chính sách đến cơ sở, người dân. Tổ chức truyền thông, tuyên truyền và phân phối thông tin theo nhiều kênh khác nhau như: truyền hình, phát thanh, báo chí, internet, tuyên truyền lưu động phù hợp với điều kiện từng vùng, địa phương về chủ trương, chính sách dân tộc và chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi.
Thông tin rộng rãi về các mô hình và kinh nghiệm phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo hiệu quả ở các vùng sinh thái, với các quy mô khác nhau; chăm lo phát triển kinh tế nhằm cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng và đồng bào các dân tộc có số dân ít đang còn nhiều khó khăn.
Cũng tại hội nghị, TS Nguyễn Quang Hòa, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã chia sẻ kỹ năng viết bài, thông tin tuyên truyền về vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Theo ông Hòa, đề tài về miền núi rất phong phú như về các phong trào: Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; xây dựng nông thôn mới; xóa đói giảm nghèo; mô hình điểm sáng văn hóa vùng biên; các mô hình làm giàu của bà con tại địa phương; các tập tục văn hóa mới và các hủ tục...
Để hoạt động truyền thông về chính sách dân tộc, miền núi hiệu quả, ông Hòa cho rằng, nhà báo cần sâu sát cơ sở; tin, bài nên dùng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu, không đa nghĩa; dùng lối ví von, so sánh quen thuộc của người dân tộc trong các bài viết khi dùng ngôn ngữ nhân vật...