Sáng tạo hình thức phổ biến giáo dục pháp luật từ cơ sở
Ðể pháp luật đi vào cuộc sống, gần gũi nhân dân Hà Nội kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế |
Tích cực tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng hình thức online
Phát biểu tham luận tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho đến thời điểm hiện tại có 5.000 luật sư và 4.700 người tập sự hành nghề luật sư, 1.700 tổ chức hành nghề luật sư. Với số lượng như vậy, luật sư Thủ đô đã, đang và sẽ tiếp tục cùng đồng hành với sự phát triển chung của Thành phố, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền pháp luật…
Chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý, ông Nguyễn Văn Hà cho rằng, nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được đổi mới thường xuyên theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, mà còn phải thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để nâng cao trình độ nhận thức cho các đối tượng, giúp họ có khả năng vận dụng vào thực tiễn cuộc sống; tăng cường câu hỏi, giao lưu, giải đáp các tính huống thực tế tại hội nghị để tạo sự thu hút của người dân đối với chương trình.
Tọa đàm “10 năm Luật PBGDPL đi vào cuộc sống” do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức. |
“Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng cần được đa dạng hóa, sử dụng nhiều cách thức gần gũi với người dân hơn như giới thiệu tại các buổi tọa đàm, các buổi nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền qua các mạng xã hội như facebook, youtube, zalo; xây dựng các hoạt cảnh tình huống, lời ca, tiếng hát... lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các buổi sinh hoạt cộng đồng”, ông Hà chia sẻ
Theo đó, thời gian qua, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã có nhiều cách tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng bối cảnh. Có thể kể đến như trong thời gian đại dịch Covid-19, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã phối hợp với các nhà trường chuyển hình thức tuyên truyền từ trực tiếp qua online bằng công cụ zoom hoặc google meeting cho học sinh. Một ngày, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội có thể thực hiện tuyên truyền pháp luật đến 2.000 - 4.000 học sinh.
“Trước đây, chúng tôi tuyên truyền trực tiếp chỉ có thể đạt đến 5.000 - 7.000 người nhưng qua môi trường zoom, cùng trong khoảng thời gian đó có thể lên tới 30.000 - 40.000 lượt người. Cách thức tuyên truyền cho học sinh khác nhau và lựa chọn chuyên đề khác nhau để phù hợp với từng lứa tuổi”, ông Nguyễn Văn Hà cho biết.
Đa dạng hóa mô hình tuyên truyền
Cũng tại buổi Tọa đàm, bà Đặng Thị Tâm, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm cho hay, đặc thù của phường Hàng Đào nói riêng và của phường khu phố cổ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói chung, nơi đây tập trung nhiều dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, khách sạn và du lịch. Do vậy, việc tuyên truyền, PBGDPL của Uỷ ban nhân dân (UBND) phường tập trung hướng về cơ sở, bám sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân trên địa bàn phường.
Những năm qua, phường đã có nhiều mô hình, cách làm hay nhằm triển khai hiệu quả công tác PBGDPL. Trong đó, tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật với sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn phường; PBGDPL thông qua tủ sách pháp luật; thông qua sinh hoạt câu lạc bộ (Câu lạc bộ B93,..) và sinh hoạt tổ dân phố; PBGDPL thông qua tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật; các loại hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở; ký cam kết gia đình không có thành viên vi phạm pháp luật (ký cam kết đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; cam kết tháo dỡ mái che, mái vẩy sai quy định; cam kết phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ…).
Luật sư Nguyễn Văn Hà chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý. |
Bà Tâm cũng khẳng định, PBGDPL gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, UBND phường Hàng Đào đã triển khai hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin pháp luật dễ dàng, thuận tiện hơn. UBND phường cập nhật thường xuyên nội dung bài viết, tin bài viết trên Cổng thông tin điện tử của phường; bảng tin, trạm tin của phường.
“Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL đã thể hiện được sự đổi mới, đa dạng hóa hình thức tiếp cận pháp luật cho người dân, được người dân tích cực đón nhận, góp phần thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, phường Hàng Đào cũng đã tích cực phổ biến pháp luật qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, phát hành tờ gấp”, bà Tâm nói.
Hỗ trợ pháp luật cho những người yếu thế
Đối với huyện Ba Vì, ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Tư pháp huyện thông tin, với đặc thù của huyện có các đối tượng là người dân miền núi, UBND huyện Ba Vì đã xây dựng Kế hoạch, thực hiện “Đề án tuyên truyền PBPL cho người nông thôn và đồng bảo dân tộc thiểu số” từ năm 2013 - 2016 trên địa bàn huyện; Kế hoạch về việc tuyên truyền pháp luật cho đồng bào 7 xã dân tộc miền núi năm 2020. Nhằm phổ biến là chủ trương, đường lối, chính sách của Trung ương, Thành phố và huyện liên quan đến đồng bảo dân tộc thiếu số, đặc biệt là những chính sách liên quan trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, chính sách đoàn kết dân tộc và xây dựng nông thôn như: Chương trình 134, 135 của Chính phủ; Quyết định số 18/QĐ-TTg.
Các hình thức tuyên truyền được thay đổi từ trực tiếp sang gián tiếp, từ hội nghị trực tiếp sang hội nghị trực tuyến, phát tờ gấp, tài liệu, tuyên truyền thông qua băng rôn khẩu hiệu, qua hệ thống đài phát thanh cơ sở, tuyên truyền bằng các xe lưu động, các loa kéo, qua các bản tin…
Phòng Tư pháp huyện Ba Vì và các phòng, ban, ngành phối hợp với Trung tâm pháp lý hàng năm tổ chức các hội nghị trợ giúp pháp luật tại địa phương cho các đối tượng yếu thế. Tuyên truyền cho đối tượng là cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ...
Ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Tư pháp huyện Ba Vì tham luận tại tọa đàm. |
Trưởng phòng Tư pháp huyện Ba Vì cho biết, một trong những điểm đặc biệt trên địa bàn huyện là PBGDPL đến đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể là dân tộc Dao với khoảng 28 ngàn người. Với sự chênh lệch về nhận thức và khác biệt về ngôn ngữ, huyện đã có những phương thức PBGDPL phù hợp. Theo đó, huyện đã tổ chức đào tạo, tập huấn hoà giải viên là người có uy tín, gần gũi với bà con dân tộc thiểu số; răn đe và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật ở cơ sở. Từ đó giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật và đảm bảo trật tự an ninh xã hội.
Theo Trưởng phòng PBGDPL (Sở Tư pháp Hà Nội) Vũ Thị Thanh Tú, qua 10 năm thực hiện Luật PBGDPL cho thấy, công tác PBGDPL đã có những bước đột phá, chuyển biến trên nhiều mặt. Công tác tuyên truyền, PBGDPL được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, vừa sâu, vừa rộng với mô hình, cách thức PBGDPL ngày càng đa dạng, phong phú, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia đã tạo sự lan tỏa ý thức thượng tôn, chấp hành và bảo vệ pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn Thủ đô. |