Nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Hàng năm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội phối hợp ký ban hành văn bản liên tịch về việc hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và Hội nghị người lao động ở cơ sở. 100% LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chủ động phối hợp với UBND và chính quyền đồng cấp (nơi có chính quyền đồng cấp) ký kết văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao chất lượng Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và Hội nghị người lao động ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
Trung bình hàng năm, toàn Thành phố có 74% doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động. |
Kết quả, trung bình hàng năm, toàn Thành phố có 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 74% doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động; 82% đơn vị, doanh nghiệp xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở; 74% doanh nghiệp xây dựng Quy chế Hội nghị người lao động; 77% đơn vị xây dựng Quy chế và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; 97% đơn vị bầu Ban Thanh tra nhân dân. Việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và Hội nghị người lao động ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phần lớn đảm bảo được tính dân chủ, đúng trình tự, nội dung, thành phần theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Chất lượng Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và Hội nghị người lao động ngày càng được nâng lên, tập trung vào các nội dung như: Xây dựng Quy chế đối thoại; sửa đổi, bổ sung Thỏa ước lao động tập thể; giải đáp các vướng mắc, kiến nghị của đoàn viên, người lao động... Qua đó đã góp phần phát huy dân chủ, nâng cao ý thức của người lao động trong tham gia quản lý, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp; để đoàn viên, người lao động thực sự được biết, được bàn, được quyết định và được kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo quy định; đồng thời khẳng định được vai trò đại diện, chức năng tham gia, kiểm tra, giám sát của tổ chức Công đoàn.
Bên cạnh việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và Hội nghị người lao động, hàng năm, LĐLĐ Thành phố phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố với đoàn viên, người lao động. Trong 5 năm (2018 - 2023) đã có 2.745 ý kiến kiến nghị bằng văn bản và 99 ý kiến, kiến nghị trực tiếp của công nhân lao động tập trung vào việc đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, nhu cầu nhà ở, vận tải công cộng, nhu cầu học trường công lập của con công nhân lao động, lắp đặt wifi miễn phí, khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường trong các khu, cụm công nghiệp. Qua đối thoại, lãnh đạo UBND Thành phố đã tiếp thu các ý kiến và chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền quận, huyện, thị xã xem xét giải quyết.
Thông qua việc thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần đảm bảo quyền lợi của người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. |
Hàng năm, toàn Thành phố có 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 74% doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động; 82% đơn vị, doanh nghiệp xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở; 74% doanh nghiệp xây dựng Quy chế Hội nghị người lao động; 77% đơn vị xây dựng Quy chế và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; 97% đơn vị bầu Ban Thanh tra nhân dân. Qua đó đã phát huy dân chủ và kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ổn định và phát triển. |
Ngoài ra, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức 145 cuộc đối thoại với công nhân lao động; có trên 68% Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại 3 bên giữa Công đoàn - người sử dụng lao động - người lao động để giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của đoàn viên và người lao động.
Thông qua việc duy trì và thực hiện thường xuyên, định kỳ các hoạt động đối thoại tại nơi làm việc, đối thoại cấp trên cơ sở và đối thoại cấp Thành phố đã giúp lãnh đạo chính quyền các cấp lắng nghe, kịp thời giải quyết những bức xúc, vướng mắc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên và người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tranh chấp lao động xảy ra.
Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, thời gian tới, với mục tiêu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; tập trung chăm lo, đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ chủ động phối hợp với người đứng đầu chính quyền các cấp định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, người lao động; tăng cường giám sát quá trình thực hiện của các cấp, các ngành sau đối thoại, đảm bảo những đề xuất, kiến nghị được giải quyết triệt để, kịp thời, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Cạnh đó, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện tốt Luật Dân chủ ở cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, Hội nghị người lao động và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Chú trọng hình thức đối thoại đột xuất khi có vụ việc liên quan đến những vấn đề bức xúc, cấp bách của người lao động tại nơi làm việc.