Kích thước vòng một và những lầm tưởng phổ biến về ung thư vú
Hội thảo “Phát hiện sớm và tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung” |
Bác sĩ Unnati Desai, làm việc trong tổ chức từ thiện chăm sóc sức khỏe lớn nhất Vương quốc Anh Nuffield Health, gần đây chia sẻ về 8 lầm tưởng phổ biến nhất về căn bệnh ung thư vú mà nhiều người cho là đúng nhưng thực tế ngược lại.
Có nhiều lầm tưởng về ung thư vú mà nhiều người cho là đúng. |
1. Mặc áo ngực có gọng làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Bác sĩ Unnati cho biết: “Những tuyên bố rằng áo ngực có gọng sẽ chèn ép hệ thống bạch huyết của vú khiến chất độc tích tụ và làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú không có căn cứ khoa học. Loại áo ngực mà bạn mặc có quá chật hay quần áo nói chung không liên quan đến nguy cơ mắc ung thư vú”.
2. Chất chống mồ hôi làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Một số ý kiến cho rằng paraben, là chất hóa học được sử dụng làm chất bảo quản trong một số sản phẩm chống mồ hôi, có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú. Tuy nhiên, bác sĩ Unnati khẳng định không có mối liên hệ nhân – quả nào giữa paraben và ung thư vú.
3. Ngực càng nhỏ thì rủi ro càng thấp
Theo bác sĩ Unnati, nguy cơ ung thư vú không liên quan đến kích thước bộ ngực. Tuy nhiên, kích thước có thể ảnh hưởng đến việc phát hiện bệnh.
“Vú càng lớn hoặc càng dày càng cần phải tự kiểm tra cẩn thận để đảm bảo cảm nhận được tất cả mô sâu hơn. Ở những bộ ngực nhỏ hơn hoặc mật độ mô vú ít hơn, những thay đổi có thể dễ nhận thấy hơn. Điều quan trọng là phải kiểm tra vú thường xuyên, bất kể kích thước và mật độ mô vú, để nhận ra bất kỳ thay đổi nào sớm hơn”, chuyên gia chỉ ra.
4. Caffeine có thể gây bệnh ung thư vú
Bác sĩ Unnati phủ nhận quan niệm caffeine có thể gây bệnh ung thư vú. Theo chuyên gia, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học hay bằng chứng nào kết luận bệnh ung thư vú có liên quan đến caffeine.
5. Những người có vú sần sùi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
Từ trước đến nay, nhiều người nghĩ rằng người có ngực lổn nhổn, nhiều u cục có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn. Tuy nhiên, bác sĩ Unnati nhấn mạnh khoa học chứng minh không có mối liên hệ nào.
Không phải ai có ngực sần sùi là nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn. |
“Khi bạn có loại vú này, việc phân biệt mô bình thường với mô ung thư có thể khó hơn. Do đó, bạn cần phải thông báo những thay đổi cho bác sĩ để được chẩn đoán tình trạng cơ thể sớm nhất có thể”, nữ bác sĩ khuyên.
6. Ung thư vú luôn biểu hiện dưới dạng khối u
Khi kiểm tra vú, nhiều người có suy nghĩ sai lầm rằng chỉ nên tìm các cục u. Tuy nhiên, bác sĩ Unnati cảnh báo có những thay đổi khác ở vú cần lưu ý, gồm:
- Thay đổi vùng da ở vú (đổi màu, mẩn đỏ, kích ứng hoặc đóng vảy, cộm lên hoặc lõm xuống)
- Thay đổi hình dạng hoặc kích thước vú
- Đau bầu ngực hoặc núm vú
- Tiết dịch từ núm vú
- Sưng dưới nách hoặc xung quanh xương quai xanh
Chuyên gia khuyên mọi người phải đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy sự thay đổi để được đánh giá toàn diện.
7. Chụp X-quang tuyến vú làm tăng nguy cơ mắc ung thư
Bà Unnati bác bỏ ý kiến chụp X-quang tuyến vú khiến cơ thể tiếp xúc với quá nhiều bức xạ dẫn đến tăng nguy cơ ung thư vú.
“Đúng là bức xạ được sử dụng trong chụp X-quang tuyến vú nhưng số lượng này rất nhỏ để xảy ra bất kỳ rủi ro nào hoặc có cũng rất nhỏ so với lợi ích phòng ngừa từ việc thực hiện phương pháp kiểm tra này”, nữ bác sĩ nói.
Theo chuyên gia, chụp X-quang tuyến vú có thể giúp phát hiện các khối u trước khi sờ thấy hoặc phát hiện theo cách khác. Các khối u được phát hiện càng sớm thì cơ hội có kết quả tích cực càng cao.
8. Tất cả khối u đều là ung thư
Bác sĩ giải thích khối u không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy bị ung thư vú. Khoảng 80% khối u ở vú là do các thay đổi lành tính, u nang hoặc các bệnh lý khác. “Tuy nhiên, nếu bạn phát hiện một khối u, bạn cần phải được bác sĩ kiểm tra cho chắc chắn”, bà Unnati nói thêm./.
Theo Tú Oanh/vov.vn
https://vov.vn/suc-khoe/kich-thuoc-vong-mot-va-nhung-lam-tuong-pho-bien-ve-ung-thu-vu-post983478.vov