Kịch bản suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng hiện rõ
Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực trong tháng 8-2022 Kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ |
Người dân mua hàng tại siêu thị ở Washington, D.C., Mỹ, ngày 13/7/2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Suy thoái kinh tế là kịch bản mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã thừa nhận có thể xảy ra mặc dù cả hai đều không coi đó là một viễn cảnh chính xác.
Tuy nhiên, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã bác bỏ quan điểm này. Paul O'Connor, người đứng đầu bộ phận quản lý tài sản tại tập đoàn Janus Henderson, lưu ý rằng kể từ năm 1955, nền kinh tế Mỹ luôn trải qua suy thoái trong vòng hai năm mỗi khi lạm phát hàng quý leo lên mức trên 4% và tỷ lệ thất nghiệp dưới 5%, tương tự với tình hình hiện tại.
Trong tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra cảnh báo rằng lạm phát và xung đột Nga - Ukraine có thể đẩy kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái.
Dưới đây là một số chỉ báo về nguy cơ suy thoái kinh tế:
1. Đường cong lợi suất
Đường cong lợi suất của trái phiếu Chính phủ Mỹ từng có “thành tích” trong việc dự đoán các cuộc suy thoái, đặc biệt khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm tăng vượt lợi suất kỳ hạn 10 năm. Đường cong lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm/ kỳ hạn 10 năm đã đảo ngược trước mỗi đợt suy thoái trong 10 cuộc suy thoái gần nhất của Mỹ. Khoảng cách lợi suất giữa hai loại kỳ hạn trái phiếu là khoảng -20 điểm cơ bản và gần đây đã bị đảo ngược nhiều nhất kể từ năm 2000. Các ngân hàng trung ương đang đẩy mạnh tăng lãi suất. Tuần trước, Fed vừa đưa ra mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm nhằm kiềm chế mức lạm phát cao nhất hơn 40 năm, ở mức 9,1% trong tháng 6/2022.
2. Khủng hoảng năng lượng
Một số nhà đầu tư gắn rủi ro suy thoái toàn cầu với nguồn cung khí đốt từ Nga. IMF cho biết, việc Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu vào cuối năm và xuất khẩu dầu của nước này giảm tiếp 30% sẽ khiến đà tăng trưởng kinh tế của châu Âu và Mỹ gần như bằng 0. Giá khí đốt của châu Âu đã tăng 180% kể từ đầu năm nay do cuộc xung đột Nga - Ukraine. Thể chế tài chính này cảnh báo rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chậm lại ở mức 2% vào năm 2023, một mức tương đương với suy thoái do sự gia tăng dân số và nhu cầu tại các nước nghèo. Hiện nay, 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Mỹ là sang châu Âu, trong khi các nhà sản xuất Liên minh châu Âu chiếm 25% hàng nhập khẩu vào Mỹ.
3. PMI
Chỉ số nhà quản lý nhà mua hàng (PMI) là số liệu dự báo đáng tin cậy về hoạt động sản xuất, dịch vụ, hàng tồn kho, đơn đặt hàng, và do đó cũng là chỉ báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, sự sụt giảm bất ngờ PMI của Mỹ và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 7/2022 đã làm dấy lên sự lo ngại của các nhà đầu tư về sự an toàn của trái phiếu. Trong các số liệu PMI toàn cầu, hàng tồn kho cao hơn thường báo hiệu tốc độ tăng trưởng chậm hơn, đặc biệt nếu đi kèm với sự sụt giảm số đơn đặt hàng mới.
4. Giá đồng
Đồng được coi là một chỉ số hàng đầu về sức khỏe kinh tế vì kim loại này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Giá đồng đã chứng kiến mức giảm giá 22% kể từ đầu năm nay, cho thấy các nhà đầu tư đang tiêu cực về triển vọng nền kinh tế. Hiện tại, giá kim loại đang giảm mặc dù có rất ít dấu hiệu cho thấy nhu cầu giảm mạnh hoặc nguồn cung đang tăng lên.
5. Chỉ số lòng tin
Chỉ số biến động kinh tế của tập đoàn tài chính Citi Group, dùng để đo lường mức độ chính xác các số liệu kinh tế so với dự báo, giảm mạnh tại châu Âu và Mỹ. Trong đó, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đặc biệt đáng chú ý. Giám đốc Thông tin (CIO) Vincent Manuel của công ty quản lý tài sản Indosuez Wealth Management cho biết, lòng tin của người tiêu dùng có xu hướng giảm, phản ánh sức mua ngày càng yếu, và đây cũng là chỉ báo về nguy cơ suy thoái kinh tế. Ông nói thêm, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ của Đại học Michigan, hiện đang ở mức 50 và có thể giảm dưới ngưỡng quan trọng này khi kinh tế suy thoái.
Theo Minh Trang/baotintuc.vn