Trao giải Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử năm 2021:
Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng bài dự thi và giải thưởng
Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì, phối hợp với Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc) và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức. Tiền thân của Cuộc thi là Cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng e-Learning do Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức từ năm 2010. Đây là lần thứ 5 Cuộc thi được tổ chức.
Cuộc thi nhằm mục đích xây dựng kho học liệu số dùng chung, miễn phí toàn ngành GD&ĐT, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo viên, nhà trường, đồng thời tôn vinh trí tuệ, sức sáng tạo của nhà giáo góp phần đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy.
Các thầy cô giáo đạt giải Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử năm 2021. (Ảnh: Bộ GD&ĐT) |
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Cuộc thi có ý nghĩa thiết thực triển khai lộ trình chuyển đổi số ngành GD&ĐT theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số GD&ĐT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Ngay từ lần đầu tổ chức, Cuộc thi đã tạo ra phong trào thi đua xây dựng bài giảng điện tử rộng khắp ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức cuộc thi ở cấp tỉnh, cấp huyện nhận được sự hưởng ứng của đông đảo giáo viên tham gia, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học tới từng nhà trường, từng giáo viên. Nhiều diễn đàn, nhiều kênh giao tiếp được lập ra trên môi trường mạng để chia sẻ kinh nghiệm xây dựng bài giảng điện tử, trao đổi nghiệp vụ rất sôi nổi. Sau mỗi lần Cuộc thi được tổ chức, phong trào thi đua xây dựng bài giảng điện tử lại được lan tỏa sâu rộng hơn, chất lượng hơn, tích cực hơn.
Tính từ khi phát động Cuộc thi trên toàn quốc đến ngày 11/11/2021, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 42.983 sản phẩm dự thi (bậc Mầm non 1.035 bài, Tiểu học 20.253 bài, Trung học cơ sở 15.524 bài và Trung học phổ thông 6.171 bài). Sản phẩm các bài giảng điện tử tập trung nhiều vào các môn học thuộc các khối lớp 1, lớp 2 và lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sau khi tiếp nhận các bài dự thi, Ban Tổ chức đã làm việc nghiêm túc, công tâm và quyết định trao thưởng cho hơn 200 bài giảng điện tử. Trong đó, có 12 giải Nhất, 25 giải Nhì, 29 giải Ba, 40 giải Khuyến khích, 6 giải Ý tưởng sáng tạo và ứng dụng công nghệ hiệu quả cho các bài giảng về giáo dục Mầm non và 100 giải Phong trào.
Tại Hà Nội, Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng của đông đảo giáo viên các cấp học với hơn 5.000 bài dự thi chất lượng gửi về Ban Tổ chức. Trong các bài giảng điện tử được trao thưởng, Hà Nội có 97 bài giảng điện tử (4 giải Nhất, 14 giải Nhì, 10 giải Ba, 19 giải Khuyến khích, 5 giải Ý tưởng sáng tạo và ứng dụng công nghệ hiệu quả cho các bài giảng về giáo dục Mầm non và 45 giải Phong trào), dẫn đầu cả nước về số lượng bài dự thi và giải thưởng.
Ban Tổ chức cũng đã lựa chọn được 2.130 bài giảng (bao gồm cả 213 bài giảng được giải) đưa lên kho học liệu số dùng chungmiễn phí toàn ngành để chia sẻ với các nhà trường, giáo viên, học sinh trên cả nước tại địa chỉ igiaoduc.vn.