Hà Nội: Đa dạng, đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật
Quận Long Biên: 14/14 phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật 6 tháng đầu năm, gần 20 triệu lượt người được tuyên truyền pháp luật |
Chiều 27/7, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm.
Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố trình bày báo cáo cho biết, trong 6 tháng qua, Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố đã tích cực, chủ động, sáng tạo triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 và các lĩnh vực pháp luật liên quan đến đời sống dân sinh như giao thông, môi trường, cải cách hành chính, mô hình chính quyền đô thị, trật tự an toàn xã hội, ứng xử trên môi trường mạng....
Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, cơ quan thường trực của Hội đồng đã chủ động và kịp thời tham mưu, ban hành văn bản hướng dẫn các đợt cao điểm tuyên truyền pháp luật, phổ biến, các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác PBGDPL năm 2022 trên địa bàn Thành phố. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành tốt các quy định của pháp luật nói chung, về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nói riêng của cán bộ và Nhân dân Thủ đô.
Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Thành phố đã tổ chức 2.345 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 81.658 lượt người tham dự; tổ chức 5 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 42.430 lượt người dự thi; phát hành 118.371 tài liệu phổ biến pháp luật, trong đó đăng tải 6.518 tài liệu, tin, bài tuyên truyền pháp luật trên internet...
Ở cấp cơ sở, Hội đồng phối hợp PBGDPL quận, huyện, thị xã đã tổ chức 585 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 95.185 lượt người tham dự; tổ chức 08 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 28.988 lượt người dự thi.
Phát biểu tại hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác PBGDPL 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố cho rằng, 6 tháng cuối năm, Hội đồng cần tổ chức tuyên truyền các chính sách liên quan đến Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi)…
Các ý kiến đánh giá, các tổ hòa giải đã làm tốt công tác hòa giải, giải quyết được nhiều việc ngay từ tổ dân phố. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội Nguyễn Văn Hà cho rằng, trong công tác hòa giải, nếu có luật sư hỗ trợ, công tác hòa giải sẽ đạt kết quả tốt hơn.
Toàn cảnh hội nghị. |
Đáng quan tâm, khi tham gia các vụ việc ở cơ sở, những vụ việc hòa giải không thành thì hòa giải viên không được hỗ trợ, chi trả tiền thù lao như hòa giải thành, do đó, cần phải có sự động viên kịp thời đối với các hòa giải viên tích cực tham gia công tác hòa giải. Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Nguyễn Hồng Tuyến nhìn nhận, đây là một bất cập, vì hoà giải không thành, hòa giải viên cũng rất vất vả nhưng lại không được hưởng thù lao...
Bên cạnh các kết quả đạt được, Hội đồng Phối hợp PBGDPL cũng chỉ ra, việc phối hợp với các doanh nghiệp sở hữu màn hình điện tử tại các tòa nhà cao tầng, khu đô thị để tuyên truyền phổ biến pháp luật theo mô hình Cầu thang pháp luật còn hạn chế; một số quận, huyện và nhiều xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí để triển khai công tác PBGDPL còn hạn chế; kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở thấp, chưa đáp ứng yêu cầu...
Phát biểu kết luận và chỉ đạo phiên họp, đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nền tảng trong việc giữ vững ổn định xã hội, phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên Hội đồng.
Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố đề nghị trong thời gian tới các sở, ngành triển khai các kế hoạch, đề án tuyên truyền phổ biến pháp luật theo đúng tiến độ đề ra. Sở Tư pháp chủ trì đề án về truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội; truyền thông về tác động của các văn bản của Trung ương và Thành phố, giải thích cho người dân hiểu, tạo đồng thuận trong tổ chức, thực hiện.
Quá trình triển khai bám sát các vấn đề thời sự, được người dân quan tâm, vì sự phát triển Thành phố như: Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Luật Thủ đô, công tác quản lý đất đai, cải cách hành chính, phân loại rác....
Đồng thời, đa dạng hóa, đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; thường xuyên củng cố, kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên...