6 tháng đầu năm, gần 20 triệu lượt người được tuyên truyền pháp luật
Bộ Tư pháp vừa sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, với hầu hết các lĩnh vực công tác của đều đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật mới được tổ chức thực hiện hiệu quả, tỷ lệ hòa giải thành trong các vụ việc ở cơ sở đạt được ở mức cao...
Bên cạnh các hình thức PBGDPL truyền thống, các mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả về PBGDPL, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng triển khai bằng nhiều hình thức hoạt động khác nhau, đạt hiệu quả cao.
Cụ thể như tổ chức triển khai, phổ biến các văn bản pháp luật mới theo hình thức trực tuyến (như Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Xây dựng; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Thành phố Hà Nội; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; thành phố Cần Thơ; tỉnh Đồng Tháp; tỉnh Kiên Giang; tỉnh Lai Châu; tỉnh Long An; tỉnh Phú Thọ; tỉnh Vĩnh Phúc).
Các bộ, ngành, địa phương cũng tiếp tục duy trì, triển khai thực hiện các hoạt động PBGDPL trên Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL, qua facebook, trang fanpage, youtube, zalo; mở/duy trì chuyên mục pháp luật trên Báo điện tử (như thành phố Hà Nội; tỉnh Phú Thọ; tỉnh Quảng Bình; tỉnh Quảng Ngãi; tỉnh Thái Bình).
Một buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy cho học sinh tại Trường trung học phổ thông Tây Hồ. |
Nhiều địa phương đã tích cực hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhân rộng các mô hình điểm; chú trọng phát động phong trào thi đua, khen thưởng trong công tác PBGDPL; tổ chức cuộc thi gương người tốt, việc tốt trong thực hiện, chấp hành pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm, các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 274.268 cuộc tuyên truyền pháp luật cho gần 20 triệu lượt người; tổ chức 2.996 cuộc thi cho 2,5 triệu lượt người dự thi; phát miễn phí hơn 25 triệu tài liệu tuyên truyền, PBGDPL (giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021).
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được quan tâm thực hiện. Qua báo cáo của địa phương về công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021, đến nay có 9761 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 93,7%); một số địa phương có 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Hậu Giang, Hà Nam, Đà Nẵng).
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước tiếp nhận hơn 60.135 vụ việc hòa giải (tăng hơn 2,9% so với cùng kỳ năm 2021), trung bình tỷ lệ hòa giải thành đạt 74,4%, góp phần quan trọng trong ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Một số địa phương có tỷ lệ hoà giải thành rất cao, cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế tại cơ sở.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tư pháp cũng cho biết, việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong một số lĩnh vực có lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; kinh phí dành cho công tác PBGDPL còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư, nhất là Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”; Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL.
Đồng thời, tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL; tiếp tục thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở; tổng kết Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” năm 2022; tổ chức triển khai hiệu quả Ngày Pháp luật năm 2022…