Giáo viên mong chờ sửa đổi quy định phụ cấp ưu đãi nghề
Chăm lo thiết thực đời sống cán bộ, giáo viên, nhân viên |
Mong mỏi tăng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100%
Với mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức đang áp dụng là 1.490.000 đồng/tháng, đối tượng giáo viên mầm non có lương thấp nhất là 3.129.000 đồng và cao nhất là 9.506.000 đồng.
Công tác trong ngành Giáo dục 13 năm, nhưng mức lương nhận về không giúp cô giáo Đinh Thị Loan - giáo viên Trường Mầm non Khun Há (Lai Châu) đảm bảo cuộc sống.
"Nhà cửa tôi vẫn phải đi thuê, với đồng lương hiện tại chẳng biết bao giờ mới có tiền mua đất, xây nhà để ở” - cô Loan thở dài.
Nhiều năm cắm bản, dìu dắt trẻ thơ, chào đón các con trong ngày hội đến trường nhưng chưa bao giờ cô Loan được tự tay đưa con mình đi khai giảng, hay đơn giản là đón con sau giờ tan trường, bởi toàn bộ quỹ thời gian đã dành hết cho công việc trên lớp.
"Công việc của tôi bắt đầu từ 7h đến 17h, trưa phải trực trông các con ăn, ngủ ở lớp. Các bậc học khác giáo viên sẽ dạy theo tiết, buổi trưa thầy cô có thời gian về với gia đình, con cái, còn đối với giáo viên mầm non thời gian sẽ gò bó hơn, các cô phải trông trẻ cả ngày” - cô Loan tâm sự.
Cô Loan mong mỏi tăng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100%. Ảnh: Thị Loan |
Vị giáo viên này cho biết, trường cách nhà 15km, đường đến trường là cả một hành trình gian nan, nhất là những hôm trời mưa, đường bùn đất trơn trượt. Cần mẫn làm việc bao năm nhưng lương vẫn thấp, cuộc sống bấp bênh, một mình cô gồng gánh nuôi cả gia đình có con nhỏ và bố mẹ già.
"Ngày nào cũng sáng đi tối về nên các con phải nhờ ông bà trông và đưa đón. Công tác đã lâu nên lương của tôi vẫn cao hơn một số giáo viên trẻ và giáo viên hợp đồng trong trường. Một số giáo viên mới vào nghề lương chỉ vỏn vẹn gần 4 triệu đồng/tháng, trong khi khối lượng công việc không hề ít hơn. Nhiều người sáng đi dạy tối phải bán hàng online để kiếm thêm thu nhập” - cô Loan cho biết.
Mong mỏi lớn nhất của giáo viên này là sớm được tăng hệ số lương và tăng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100%. Công tác ở vùng sâu, vùng xa đã là một thiệt thòi, mức tăng này sẽ là nguồn động lực to lớn để các cô giáo tiếp tục bám lớp, yên tâm công tác.
Cần thêm chính sách hỗ trợ giáo viên công tác xa gia đình
Đồng quan điểm, cô giáo Lê Na - giáo viên Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn (Nghệ An) cũng mong sớm có những chính sách ưu đãi xứng đáng với lao động đặc thù của nhà giáo.
Công tác 17 năm tại huyện biên giới Kỳ Sơn, cô giáo Lê Na và đồng nghiệp trải qua muôn vàn khó khăn. Là vùng thường xuyên xảy ra mưa bão, sạt lở, cuộc sống của những giáo viên nơi đây không chỉ vất vả mà còn nguy hiểm tới cả tính mạng.
Sau giờ lên lớp, cô giáo đến nhà hỗ trợ học sinh khắc phục hậu quả sau lũ. Ảnh: Lê Na |
"Từ miền xuôi lên công tác, phải xa gia đình, xa con nhỏ, những ngày nghỉ cuối tuần muốn về thăm nhưng đường sá xa quá. Mỗi ngày đi dạy, thầy cô phải trèo đèo lội suối đến điểm trường. Trận lũ càn quét, thầy cô không có nhà để ở phải ở nhờ, thậm chí đi thuê trọ” - cô Na bộc bạch.
Giáo viên này cho rằng, cần có mức lương và ưu đãi nghề thoả đáng với công sức mà giáo viên bỏ ra. Điều đó sẽ giúp thầy cô chuyên tâm vào giảng dạy, đồng thời thu hút nhân tài trong ngành sư phạm, giảm thiểu tối đa số giáo viên nghỉ việc.
Giáo viên mong chờ sửa đổi quy định phụ cấp ưu đãi nghề. Ảnh: Lê Na |
Bên cạnh việc khẩn trương sửa đổi quy định phụ cấp ưu đãi nghề, cô Lê Na mong mỏi Nhà nước có những chính sách hỗ trợ giáo viên công tác xa gia đình bởi họ có quá nhiều vất vả và thiệt thòi.
"Tôi và các đồng nghiệp từ miền xuôi lên miền núi dạy học, chấp nhận xa gia đình để cống hiến cho ngành Giáo dục. Chúng tôi cũng mong muốn được về quê hương công tác, gần chồng, gần con lắm. Nhưng vì học trò nên cố bám trụ. Vì vậy rất mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ" - cô Lê Na bộc bạch.
Theo
/laodong.vn