Giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi, từng bước giảm dần đến tuổi nghỉ hưu
Đa số đại biểu nhất trí đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu Những trường hợp không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu khi nghỉ trước tuổi Đề xuất giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí |
Đây là điểm mới quan trọng được bổ sung vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ ủng hộ bổ sung quy định này, nhằm bảo đảm an sinh xã hội trên diện rộng, hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) toàn dân.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Dự thảo Luật quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu Trung ương giao đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Luật lần này đã có những quy định mang tính đột phá, bám sát Nghị quyết số 28-NQ/TW. Trong đó, Luật đưa vào nội dung trợ cấp hưu trí xã hội, giảm độ tuổi hưởng trợ cấp từ 80 tuổi xuống 75 tuổi.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ giảm dần tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Ảnh: Quốc hội |
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, nên chăng có lộ trình để đưa tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 75 tuổi và giảm dần hơn nữa. “Phải có lộ trình để những người già không có lương hưu được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội” – đại biểu nói.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cũng nhất trí với quy định bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Từ đó, tiến dần tới mục tiêu mọi công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ, để không ai phải ở lại phía sau, đúng như mục tiêu xây dựng xã hội công bằng dân chủ, văn minh.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) đánh giá cao hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội được chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Dự thảo đã khắc phục các bất cập, bổ sung nhiều nội dung mới quan trọng như chế độ hưu trí xã hội, trợ cấp hàng tháng cho người tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu... Đại biểu cũng nhất trí với phương án giảm thời gian hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi
Phát biểu làm rõ thêm một số nội dung tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, Việt Nam đang tham gia 8/9 loại hình bảo hiểm so với thế giới. Hiện nay, chỉ còn bảo hiểm gia đình, mà bảo hiểm gia đình tập trung chủ yếu là người già và trẻ em. Bây giờ, người già đã được đưa vào tầng thứ nhất, vừa rồi có tính toán bảo hiểm cho trẻ em.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ 1. Ảnh: Quốc hội |
Bộ trưởng cho hay, bảo hiểm cho trẻ em không đưa vào trong Luật này nhưng các chính sách cho trẻ em đều được đảm bảo bằng các chính sách khác, ví dụ như bảo hiểm y tế, hỗ trợ suy dinh dưỡng, các chính sách khác.
Vấn đề này, Chính phủ đã có họp và có báo cáo đánh giá tác động gửi cho các đại biểu, Chính phủ đề nghị với Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho phép là trước mắt chưa đưa chính sách này vào BHXH trong kỳ này. Nhưng tất cả chính sách liên quan tới trẻ em sẽ được đảm bảo bằng các chính sách của Nhà nước tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội.
Về trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước mắt sẽ giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và phấn đấu từng bước giảm dần đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Mức hưởng giao cho Chính phủ quy định sẽ linh hoạt hơn, tùy vào tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ sẽ góp phần mở rộng diện bao phủ đối tượng hưởng các chế độ hưu trí đa dạng và không chỉ dựa trên cơ sở đóng góp của cá nhân mà còn dựa trên sự hỗ trợ của Nhà nước (phi đóng góp) tương tự như một số đối tượng đang hưởng lương hưu nhằm bảo đảm an sinh xã hội trên diện rộng, hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách nhà nước, việc đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh, áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án Luật này và sự ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán, có bao gồm phần mua thẻ bảo hiểm y tế hay không? Hiện nay dự thảo Luật mới chỉ giao “Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội” là chưa đầy đủ.
Báo cáo đánh giá tác động bổ sung về nguồn ngân sách nhà nước về vấn đề này lý giải chế độ này sẽ được nâng từ mức 360.000 đồng (trên cơ sở Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội) lên mức 500.000 đồng.
Song dự thảo Nghị định về chính sách trợ cấp hưu trí xã hội kèm theo Hồ sơ dự án Luật vẫn giữ nguyên mức trợ cấp hiện hành và có quy định sẽ được xem xét, điều chỉnh tương ứng với sự điều chỉnh của chế độ trợ giúp xã hội được quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP là chưa thuyết phục và chưa phù hợp với tên gọi của chế độ bảo hiểm và tạo ra chênh lệch lớn đối với các đối tượng hưu trí bắt buộc, hưu trí tự nguyện quy định trong dự thảo Luật.