Đổi mới, nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục về dân số
Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác dân số Hà Nội: Tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm nâng cao chất lượng dân số Gần 1,5% dân số tham gia hiến máu |
Phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên dân số
Gắn bó với công tác dân số hơn 10 năm, chị Lê Thị Hường, cán bộ dân số xã Tân Ước (huyện Thanh Oai) luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong từng công việc. Cùng với đội ngũ cán bộ dân số, hiện nay trên địa bàn xã có 17 cộng tác viên dân số tại 5 thôn, mỗi cộng tác viên tham gia quản lý từ 150 - 170 hộ dân.
Cán bộ dân số xã Tân Ước (huyện Thanh Oai) luôn gần gũi, tuyên truyền chính sách dân số tới người dân tại địa phương (Ảnh:N.Hoa) |
Song song với việc tổ chức các cuộc tọa đàm, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt, cộng tác viên dân số đến từng gia đình để giúp người dân có nhận thức đúng về công tác dân số, các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
Nhờ hoạt động tuyên truyền đó, năm 2019, tỉ lệ mất cân bằng giới tính của xã khá cao nhưng những năm gần đây, chỉ số này ở mức trung bình. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, nhiều gia đình sinh con một bề đã thay đổi nhận thức, không sinh con thứ 3, tập trung phát triển kinh tế, chăm sóc con cái. Trong đó có những gia đình các con chăm ngoan, học giỏi được biểu dương, khen thưởng.
Tương tự, Tổ dân phố Ga, thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) những năm gần đây, kinh tế đã phát triển, trình độ dân trí của người dân được nâng cao, đặc biệt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình nhiều năm liền đều hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Có những kết quả đó là nhờ vào công đóng góp của những cộng tác viên dân số.
Hơn 3 năm gắn bó với công tác dân số, bà Trần Thị Thắng cho biết: Khoảng thời gian gắn bó với công tác dân số đã để lại trong bà nhiều cung bậc cảm xúc. Khi mới nhận nhiệm vụ, do chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn về dân số, sức khỏe sinh sản, do đó bà gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền. Quá trình triển khai công việc, bà Thắng đã tìm lối đi riêng, bà tìm hiểu nắm bắt hoàn cảnh kinh tế, đặc thù công việc, khó khăn của mỗi hộ trong Tổ để có cách tuyên truyền phù hợp, sâu, sát nhất. Những gia đình gặp vướng mắc trong cuộc sống hôn nhân bà Thắng đều dành thời gian phân tích, hòa giải cho từng thành viên.
“Việc tuyên truyền công tác dân số phải bằng cái tâm, cái tình, thật khéo léo, tế nhị để không chỉ chị em phụ nữ hiểu mà cả người thân của họ hiểu, cùng có trách nhiệm thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Để làm được việc đó, tôi kiên trì đến từng nhà, gặp từng người, tìm hiểu hoàn cảnh, sau đó vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức mình có để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách dân số, sinh đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt, áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, bảo vệ sức khỏe người phụ nữ...”, bà Thắng chia sẻ.
Nâng cao chất lượng dân số Thủ đô
Hà Nội là địa phương đông dân thứ hai của cả nước và có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với mật độ dân số là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước. Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên tuy có giảm so mỗi năm nhưng chưa bền vững; tỉ lệ tăng dân số hàng năm ở mức cao tạo ra áp lực lớn cho kinh tế - xã hội Thủ đô.
Người cao tuổi trên địa bàn quận Thanh Xuân được khám sức khỏe miễn phí. |
Hiện nay, chất lượng dân số đã từng bước được nâng cao, Thành phố phê duyệt và triển khai thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình, kế hoạch, hoạt động mô hình về nâng cao chất lượng dân số ở 30/30 quận, huyện, thị xã; 579/579 xã, phường, thị trấn.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu cơ bản hoàn thành kế hoạch: Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt 7,0 % (giảm 0,04% so cùng kỳ 2022); tỉ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 68,2 % (tăng 4% so cùng kỳ 2022); tỉ lệ sàng lọc trước sinh đạt 85,0% (tăng 1,07% so cùng kỳ 2022); tỉ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 88,0 % (tăng 1,67% so cùng kỳ 2022); tỉ lệ cặp nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 45,0 % (tăng 17% so cùng kỳ 2022); tỉ số giới tính khi sinh ở mức 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái.
Nhiều mô hình nhằm nâng cao chất lượng dân số được duy trì và nhân rộng tại các địa bàn trên toàn Thành phố. Tiêu biểu mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi áp dụng mô hình Tsuyama của Nhật Bản đang được triển khai thí điểm tại phường Bồ Đề (quận Long Biên) bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Trong 6 tháng đầu năm, tại 11 điểm luyện tập đã tổ chức 210 buổi luyện tập bài thể dục tránh ngã với 4.250 lượt người tham gia. Trung tâm Y tế quận Long Biên trong thời gian tới phối hợp chặt chẽ với phường Bồ Đề tiếp tục triển khai mô hình có hiệu quả, nhân rộng đến các phường còn lại.
Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được triển khai tại 11/11 phường trên địa bàn quận Thanh Xuân với các hoạt động truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng; tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi và tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục dưỡng sinh.... nhằm cải thiện, nâng cao sức khỏe, thể chất, tinh thần cho người cao tuổi trên địa bàn quận...
Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực, tuy nhiên công tác dân số của Hà Nội vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do cơ cấu dân số trẻ nên hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, góp phần làm tăng số sinh của thành phố; tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, góp phần làm tăng quy mô dân số.
Bên cạnh đó, quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai vẫn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 21 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và các đề án, chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác dân số của Thành phố theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia của các ngành, đoàn thể, nâng cao hiệu quả Ban chỉ đạo công tác dân số các cấp, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội và tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.
Đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số; mở rộng toàn diện nội dung truyền thông về quy mô, cơ cấu, quản lý và phân bố dân số đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số. Đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh, quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đặc biệt là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.