Hà Nội: Tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm nâng cao chất lượng dân số
Gần 1,5% dân số tham gia hiến máu Nghiên cứu bỏ chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu trong thực hiện thủ tục hành chính |
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn Thành phố đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch.
Mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7 trên địa bàn huyện Chương Mỹ. |
Cụ thể, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt 7% (giảm 0,04% so cùng kỳ 2022); tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 68,2% (tăng 4% so cùng kỳ 2022); tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 85% (tăng 1,07% so cùng kỳ 2022), tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 88% (tăng 1,67% so cùng kỳ 2022). Ngoài ra, tỷ lệ cặp nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 45% (tăng 17% so cùng kỳ 2022); tỷ số giới tính khi sinh ở mức 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái.
Hiện nay, tại Hà Nội, nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số được duy trì và nhân rộng như: Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình can thiệp truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình tới vùng dân cư đặc thù; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên…
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Chương Mỹ cho biết: Kỷ niệm ngày Dân số Thế giới năm nay Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) lựa chọn chủ đề “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta” nhằm tiếp tục khẳng định những mong muốn của phụ nữ và trẻ em gái.
Hưởng ứng ngày Dân số Thế giới năm 2023, Ban chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Chương Mỹ đã xây dựng kế hoạch với nhiều hoạt động được triển khai tới các xã, thị trấn nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Tổ chức truyền thông lồng ghép trong các hội nghị; treo băng rôn, khẩu hiệu tại các trục đường chính của huyện và các xã, thị trấn; truyền thông trực tiếp, tư vấn tại hộ gia đình về chính sách dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của huyện, đài phát thanh huyện và các xã, thị trấn...
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác dân số Thành phố, công tác dân số ở Thủ đô vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử như do cơ cấu dân số trẻ nên hằng năm, số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, góp phần làm tăng số sinh của Thành phố. Bên cạnh đó, tốc độ gia tăng dân số cơ học hằng năm cũng ở mức cao, góp phần làm tăng quy mô dân số.
“Chính vì quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai vẫn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao”, bà Trần Thị Nhị Hà chia sẻ.
Kỷ niệm Ngày Dân số thế giới năm nay, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, Thành phố cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân số, trong đó tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể là tiếp tục thực hiện các kế hoạch của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và các đề án, chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác dân số của thành phố theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền. Đồng thời, đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số…