Dịp Tết Nguyên đán, cả nước xảy ra 26 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể
Ngày 24/2, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. |
Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, với sự chia sẻ của người lao động và nỗ lực tổ chức sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người lao động của người sử dụng lao động nên tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trong phạm vi cả nước trước, trong và sau Tết năm 2023 giảm so với Tết Nguyên đán năm 2022.
Cụ thể, trong dịp Tết Nguyên đán 2023 (tính trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023) cả nước xảy ra 26 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 6 tỉnh, thành phố, giảm 25 cuộc so với dịp Tết năm 2022 (xảy ra 51 cuộc).
Đáng chú ý, sau Tết Nguyên đán xảy ra cuộc ngừng việc của 300/370 người lao động của Công ty TNHH Keum Kwang Vina (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Người lao động đã không vào nhà máy làm việc trong ngày đầu tiên đi làm của năm mới (ngày 27/1/2023, tức mùng 6 tháng Giêng).
Nguyên nhân do trước Tết, lãnh đạo Công ty thông báo thưởng Tết cho công nhân làm đủ 12 tháng trong năm là 1 tháng lương cơ bản, công nhân làm chưa đủ 12 tháng thì tính theo tỷ lệ tháng làm việc. 50% tiền thưởng này đã chi cho người lao động vào ngày 18/1/2023, 50% còn lại sẽ chi trả sau kỳ nghỉ Tết. Trong ngày đầu tiên đi làm lại sau Tết, người lao động kiến nghị Công ty thanh toán tiếp 50% thưởng Tết còn lại nhưng không được đồng ý.
Một cuộc ngừng việc tập thể liên quan đến việc tăng lương xảy ra tại một doanh nghiệp trong KCX Linh Trung 1 (TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: Nam Dương. |
Theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể không phức tạp so với các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đẫn đến tranh chấp, ngừng việc là do doanh nghiệp chậm trả lương, người lao động không đồng tình với mức thưởng tết, đề nghị đảm bảo chất lượng bữa ăn ca, thái độ của quản lý đối với người lao động không phù hợp.
Tuy nhiên, khi tranh chấp, ngừng việc tập thể diễn ra, tổ chức Công đoàn đã chủ động phối hợp cùng với các cơ quan chức năng hỗ trợ các bên đối thoại, thương lượng, tìm biện pháp giải quyết. Với sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn và các cơ quan chức năng, trên tinh thần chia sẻ giữa người lao động và người sử dụng lao động để doanh nghiệp ổn định sản xuất, nhiều kiến nghị của người lao động đã được người sử dụng lao động thực hiện, toàn bộ người lao động đã trở lại làm việc bình thường. Không có vụ việc kéo dài, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.