Điều chỉnh chính sách để phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số |
Tuy nhiên, Lào Cai xác định để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ này trong giai đoạn mới, cần có sự điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương.
Cán bộ thôn Láo Lý, xã tả Phời (thành phố Lào Cai) tuyên truyền đến người dân về tác hại và hệ lụy của việc hôn nhân cận huyết thống. Ảnh tư liệu (minh họa): Quốc Khánh/TTXVN |
Những thủ lĩnh của thôn, bản
Hiện nay, toàn tỉnh Lào Cai có 1.120 người có uy tín. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai Nông Đức Ngọc khẳng định, những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số không chỉ được ví như những nhịp cầu nối quan trọng, giúp gắn kết ý Đảng và lòng dân, mà còn như cánh chim đầu đàn dẫn dắt người dân trong thôn bản vững tin đi theo Đảng, Nhà nước, tích cực ủng hộ và góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…
Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bà Triệu Kim Phúc (72 tuổi, dân tộc Dao, trú tại thôn Làng Ẻn, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng) vừa học tập vừa tham gia sản xuất, tham gia huấn luyện dân quân tự vệ và phục vụ chiến đấu. Năm 19 tuổi, bà vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Là đảng viên trẻ tuổi, khi ấy bà đã tiên phong trong việc xóa bỏ những hủ tục về ma chay, cưới xin trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số. Sau giải phóng, bà Phúc trải qua nhiều cương vị như: Bí thư Chi bộ thôn, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ, Chi hội phó Chi hội Nông dân, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã. Dù ở chức vụ nào, bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2012, bà Phúc được suy tôn là người có uy tín tại địa phương.
Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo tại thôn Làng Ẻn là 32/78 hộ, chiếm 41%. Đến hết năm 2021, thôn đã không còn hộ nghèo, 100% hộ dân có nhà ở kiên cố. Trong bức tranh thay đổi đó, bà Phúc đã tham gia giúp đỡ gần 30 hộ thoát nghèo với trên 40 lao động có thu nhập ổn định từ chính kinh nghiệm lao động của gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo trong thôn đã giảm mạnh nhờ người dân tích cực phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước. Khi cuộc sống người dân khá lên, bà Phúc còn tích cực vận động các hộ dân trong thôn tham gia xây dựng nông thôn mới, cải tạo diện mạo nông thôn tại địa phương. Từ năm 2016 đến nay, bà đã vận động người dân trong thôn hiến trên 5.000 m2 đất và ủng hộ trên 120 triệu đồng để xây dựng 2,7 km đường giao thông nông thôn và nhà văn hóa.
Đạt danh hiệu hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, từng được vinh danh là 1 trong 63 nông dân tiêu biểu xuất sắc của cả nước, chị Hoàng Thị Chắp (sinh năm 1970) cũng là Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Giáy, thôn Luổng Đơ, xã Cốc San, thành phố Lào Cai. Gia đình chị sở hữu trang trại nuôi cá thương phẩm và sản xuất cá giống rộng hàng chục ha, thu lãi từ 1,2 - 2 tỷ đồng/năm. Hiện trang trại của chị đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động địa phương, từ 40 - 50 lao động theo mùa vụ với mức lương bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, gia đình chị Chắp đã hiến 2.000 m2 đất làm đường giao thông nông thôn, ủng hộ 50 triệu đồng và hàng ngàn ngày công lao động. Ngoài ra, gia đình chị còn giúp đỡ 12 hộ trong thôn, xã có hoàn cảnh khó khăn về vốn, con giống, kỹ thuật, thức ăn chăn nuôi để phát triển sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Những đóng góp của đội ngũ người có uy tín trên các mặt của đời sống xã hội đã từng bước góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Năm 2021, Lào Cai có 23.643 hộ nghèo và cận nghèo; trong đó, hộ nghèo chiếm 5,31% (giảm 2,89% so với năm 2020).
Cần điều chỉnh chính sách phù hợp
Để phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Lào Cai không chỉ triển khai hiệu quả chính sách chung còn có những chính sách riêng của địa phương, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với đội ngũ này.
Huyện Bát Xát có 23 dân tộc với 162 người có uy tín trong cộng đồng. Trưởng phòng Dân tộc huyện Bát Xát Lý Việt Hùng cho biết, hàng năm, huyện đều tổ chức gặp mặt cung cấp thông tin, tặng quà cho người có uy tín; cân đối ngân sách tổ chức cho người có uy tín đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm những mô hình hay, điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế - xã hội… ở trong huyện cũng như các huyện, thành phố trong tỉnh.
Thời gian qua, Lào Cai đã linh hoạt ban hành và áp dụng một số chính sách riêng nhằm động viên kịp thời đối với người có uy tín như: tổ chức các hội nghị gặp mặt chuyên đề đối với người có uy tín từng dân tộc như Dao, Mông, Phù Lá…; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người có uy tín ở các xã biên giới nhằm nâng cao kiến thức và trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biên giới.
Tuy nhiên, theo phản ánh từ địa phương và các cơ quan chức năng, trong quá trình triển khai Quyết định 12/2018/QĐ-TTg, ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, cũng cần có những bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo đề xuất của các cơ quan chức năng, đối với việc rà soát, ban hành quyết định bổ sung người có uy tín mỗi năm thực hiện một lần như hiện nay là không phù hợp. Bởi nếu người có uy tín mất, theo quy định hiện nay phải cuối năm mới rà soát, đưa ra khỏi danh sách và bổ sung thì quá muộn. Như vậy, ở các thôn bản đó có một khoảng thời gian dài không có người có uy tín.
Đồng quan điểm này, Phó trưởng Ban dân tộc Lào Cai Mã Én Hằng cho rằng, việc ban hành quyết định bổ sung, đưa ra khỏi danh sách người có uy tín nên phân cấp cho UBND cấp huyện thực hiện. Như vậy, sẽ thuận lợi và kịp thời hơn là để Chủ tịch UBND tỉnh quyết định như hiện nay...
Theo Hương Thu (ttxvn)/baotintuc.vn