Người lao động có thể tự đóng thời gian tham gia BHXH chưa đủ để hưởng lương hưu
3 quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện Đề xuất áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc với lái xe công nghệ, shiper |
Nếu người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội, thiếu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định nhưng đã đủ tuổi nghỉ hưu... thì có thể tự đóng thời gian còn thiếu này để được hưởng chế độ hưu trí hay không là vấn đề nhiều người lao động chưa hiểu rõ. Vì vậy, tại nhiều cuộc đối thoại, giao lưu trực tuyến, nhiều người lao động đã mong được giải đáp về nội dung này.
Chị Nguyễn Thu Hà, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Đền Lừ hỏi trong trường hợp người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội thì có thể tự đóng tiếp để hưởng lương hưu không?
Anh Cao Văn Dũng, Công ty Cổ phần Cơ điện thiết bị công nghiệp Hà Đô muốn biết khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng mới đóng bảo hiểm xã hội được 10 năm thì cần làm gì để được hưởng chế độ hưu trí?
Chị Nguyễn Phương Thảo, Công đoàn Trường Tiểu học Vĩnh Hưng có người bạn sinh năm 1983 đang là lao động tự do và đang có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, vậy mức đóng, thời gian đóng và chế độ hưởng lương hưu thế nào?
Còn anh Đỗ Hồng Thanh, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cho biết anh sinh năm 1966, đã đóng bảo hiểm xã hội 37 năm, anh Thanh muốn biết nếu năm nay muốn về hưu thì có được không và có bị giảm tỷ lệ hưởng lương hưu không...
Người lao động có thể tự đóng thời gian bảo hiểm xã hội còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Ảnh: Hoàng Phúc. |
Trả lời cho người lao động, bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội Hà Nội cho biết, với trường hợp chị Nguyễn Thu Hà hỏi, người lao động hoàn toàn có thể tự đóng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Theo bà Châu, tại tất cả các đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội, nếu người lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà số năm đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ, thì sẽ trừ đi thời gian nợ.
Có 4 loại hình đơn vị đang nợ bảo hiểm xã hội như: Đơn vị đang làm thủ tục phá sản; đơn vị đã có Quyết định phá sản của Tòa án; đơn vị không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; đơn vị không có người đại diện theo pháp luật.
Theo bà Dương Thị Minh Châu, với thời gian nợ này, nhưng người lao động có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu (bảo hiểm xã hội tự nguyện) nếu có trên 10 năm tham gia bảo hiểm xã hội, nếu thiếu không quá 6 tháng thì tham gia bảo hiểm xã hội dạng tham gia bắt buộc. Sau khi tham gia, người lao động được giải quyết chế độ hưu trí ngay tại thời điểm đóng đủ tiền 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Nếu như sau này đơn vị khi giải quyết chế độ phá sản xong và đóng bù lại cho người lao động quãng thời gian nợ thì số tiền này sẽ không được hoàn trả nhưng thời gian và số tiền này sẽ được cộng vào và điều chỉnh vào tỷ lệ hưởng lương hưu, bắt đầu kể từ thời điểm hưởng.
Với băn khoăn của anh Cao Văn Dũng, bà Dương Thị Minh Châu cho biết, trong trường hợp này người lao động có thể đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp trước.
Sau đó, khi người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu, nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
Giải đáp cho chị Nguyễn Phương Thảo, bà Dương Thị Minh Châu cho biết, bạn chị Thảo có thể tham gia trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội, với mức đóng hằng tháng là 22% trên mức lương chuẩn nghèo là 1,5tr đồng. Phương thức đóng có thể đóng tiền mặt hoặc qua app ngân hàng...
Bà Châu cũng cho biết, với trường hợp chị Thảo hỏi, người lao động có thể hưởng lương hưu. Nếu thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì có thể đóng một lần để hưởng cho các năm còn thiếu. Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia cũng nhận được nhận nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước và cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tư vấn kỹ cho người lao động có nhu cầu.
Với băn khoăn của anh Đỗ Hồng Thanh, bà Dương Thị Minh Châu cho biết, trường hợp nam sinh năm 1966, đã đóng bảo hiểm xã hội 37 năm, người lao động sẽ được nghỉ hưu vào 12/2028. Trường hợp người lao động muốn về hưu sớm, phải đi giám định y khoa, nếu bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên mới đủ điều kiện giải quyết hưu trí (đối với trường hợp công việc không nằm trong hạng mục độc hại).
Còn theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang được trình Quốc hội xem xét, đối với trường hợp có dư số năm đóng bảo hiểm xã hội, trên độ tuổi nghỉ hưu, sau khi hết 62 tuổi vẫn tiếp tục làm việc thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ được trả thêm 2 tháng lương. Người lao động không được bù trừ giữa tuổi và thời gian tham đóng bảo hiểm xã hội, vẫn phải đủ 2 yếu tố là tuổi về hưu và đủ năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng chế độ hưu trí.