Đề xuất chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi
Sửa đổi Luật Việc làm: Khắc phục tồn tại để hỗ trợ người lao động tốt hơn Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm Để có việc làm bền vững, lao động trẻ cần rèn luyện kỹ năng mềm |
Đánh giá thực trạng và xu hướng thị trường lao động Việt Nam, Bộ LĐTBXH cho biết, hiện nay, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Năm 2020, cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi (chiếm 11,86% dân số), dự báo trong 10 năm nữa, người cao tuổi sẽ chiếm 17% dân số, đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 sẽ là 25%.
Phần lớn người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Người lao động cao tuổi có rất ít lựa chọn việc làm, công việc họ tìm được chủ yếu tập trung vào các việc như: bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già ...
Việc làm phù hợp với người cao tuổi là vấn đề cần quan tâm đối với thị trường lao động. Ảnh minh họa. |
Trong khi người cao tuổi không dễ dàng để tìm được công việc phù hợp thì các quy định về lao động lớn tuổi ở Việt Nam vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành.
Do đó, khi đề xuất Chính phủ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), ở nhóm chính sách thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, Bộ LĐTBXH đã đề xuất bổ sung quy định chính sách hỗ trợ chuyển tiếp việc làm và hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi, gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động lớn tuổi (để chuẩn bị bước sang giai đoạn cao tuổi); hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp cho lao động cao tuổi; các chính sách ưu tiên khi sử dụng lao động cao tuổi (vay vốn, tham gia chính sách việc làm công…).
Bộ LĐTBXH khẳng định, việc đảm bảo sinh kế và có những chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số sẽ bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước, từng bước thích ứng với bối cảnh già hóa dân số.